Văn hóa, du lịch

Tăng cường hiểu biết, giao lưu ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam – Nhật Bản

Thứ hai, 30/10/2023 | 15:06 GMT+7
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF) và Hội Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản phối hợp tổ chức cuộc thi Dịch dân ca của Việt Nam - Nhật Bản 2023 và Liên hoan dân ca Việt - Nhật.

Sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu các bài dân ca Việt Nam tới khán giả Nhật Bản cũng như các bài dân ca Nhật Bản tới khán giả Việt Nam, từ đó giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa giữa người dân hai nước, thúc đẩy việc học tập và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

Chương trình có sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng sự đồng hành của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, trường Đại học Việt - Nhật, CLB cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Cuộc thi Dịch dân ca của Việt Nam - Nhật Bản 2023 

Theo ban tổ chức, cuộc thi Dịch dân ca của Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 bắt đầu triển khai từ tháng 4, nhằm chọn ra những bản dịch tốt nhất của bài dân ca Việt Nam “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và bài dân ca Nhật Bản “Sakura, Sakura” sang tiếng Việt. Sau thời gian triển khai, ban tổ chức đã nhận được tổng số 124 bài dự thi (52 bản dịch bài “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và 72 bản dịch bài “Sakura” sang tiếng Việt).

Dựa trên đánh giá của ban giám khảo là các chuyên gia văn hóa, ngôn ngữ, nhạc sĩ, nhà thơ của Việt Nam và Nhật Bản, cuộc thi đã tìm ra được một giải nhất, một giải nhì, một giải ba cho hạng mục dịch bài dân ca Việt Nam “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và một giải nhì, hai giải ba cho hạng mục dịch bài dân ca Nhật Bản “Sakura, Sakura” sang tiếng Việt (không có giải nhất).

Ông Ngô Tự Lập, thành viên Hội đồng ban giám khảo chia sẻ, quyết định lựa chọn bài "Bèo dạt mây trôi" và "Sakura, Sakura" được Hội đồng cố vấn đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các tiêu chí: chủ đề, tính phổ biến, tính đại diện trong hai nền âm nhạc truyền thống. Ban giám khảo đặt ra yêu cầu bản dịch vừa phải trung thành về ngữ nghĩa vừa phải phù hợp với giai điệu, có giá trị văn học hay sáng tạo đặc biệt. Có thể nói, đây là một yêu cầu cao do có sự khó khăn, khác biệt giữa hai ngôn ngữ, chẳng hạn như tiếng Việt có cấu trúc chủ - vị, chính trước phụ sau, trong khi tiếng Nhật động từ luôn ở cuối câu. Điều này khiến người dịch phải có giải pháp về cấu trúc, ngữ đoạn đặc biệt. Mặt khác, tiếng Việt có 6 thanh điệu, điều này tạo ra sức ép lớn đối với người dịch khi phải lựa chọn các từ phù hợp cho từng nốt nhất định...

Ban tổ chức cũng lựa chọn 5 bài dân ca từ nhiều vùng của Việt Nam (Trống cơm, Ru con Nam Bộ, Về đây anh hỡi, Gà gáy le te, Đi cấy) và 5 bài dân ca của Nhật Bản (Hái hồng hoa, Hò đánh cá, Thợ làm than đảo Kyushu, Cắt cỏ tranh, Asadoya Yunta) để Giáo sư Nhật Bản Shine Tohihiko và nhà thơ - nhạc sĩ Ngô Tự Lập dịch tương ứng sang tiếng Nhật và tiếng Việt. Toàn bộ 12 bài dân ca trên được trình diễn bằng hai thứ tiếng tại Liên hoan dân ca Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Viện Âm nhạc Việt Nam.

Ban tổ chức nhấn mạnh, đây là hoạt động văn hóa ý nghĩa, độc đáo, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Liên hoan không chỉ góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam và Nhật Bản cho nhân dân hai nước mà còn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Việt Nga (T/H)