Sản phẩm, công nghệ

Tạo chế phẩm sinh học từ vỏ hạt điều và lá cây dã quỳ

Thứ năm, 14/1/2021 | 13:01 GMT+7
Phần vỏ cứng bị thải bỏ của hạt điều và phần lá của cây dã quỳ đã được nhóm học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học vừa trừ sâu bệnh vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.

Chế phẩm sinh học trên có tên là Far - Sup, do nhóm học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương  nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Tiến sỹ, giáo viên Phùng Thị Kim Huệ.

Trưởng nhóm nghiên cứu Lê Nhật Minh chia sẻ, sau khi nghiên cứu, chúng em biết trong vỏ hạt điều có chứa một số chất giúp ức chế hoạt động của côn trùng. Cao chiết lấy từ vỏ thải hạt điều nếu kết hợp với cao chiết từ lá cây dã quỳ sẽ tạo ra một hỗn chất có tác dụng chống lại bọ xít muỗi xanh hại cây điều. Phần bã thu được đem ủ phân hữu cơ (compost) sẽ tạo được phân hữu cơ sinh học bón cho cây điều. Với nghiên cứu này, chúng em đã xây dựng được một quy trình khép kín vòng tuần hoàn vật chất trong sản xuất điều, lấy những gì cây tạo ra mà con người không sử dụng để phục vụ lại cho cây.

Theo đó, chế phẩm sinh học Combo (Far - Sup) của các em sẽ được sử dụng làm thuốc trừ sâu sinh học (Far - dạng nước xịt) chống lại các loại sâu bệnh gây hại cho cây điều (đặc biệt là bọ xít muỗi xanh) và phân bón (Sup - dạng bột mịn) giúp chăm sóc cho cây điều cũng như các loại cây trồng khác.

Nhóm nghiên cứu chế phẩm sinh học Far – Sup

Hiện tỉnh Gia Lai có hơn 176.000ha cây công nghiệp dài ngày, trong đó diện tích cây điều chiếm gần 18.000ha. Sau khi thu hoạch, người dân chỉ lấy phần nhân sản xuất ra các sản phẩm từ hạt điều (điều sấy, điều rang muối), còn vỏ hạt điều bị thải bỏ. Mỗi năm, tỉnh Gia Lai có khoảng 50.000 tấn vỏ hạt điều bị thải ra ngoài môi trường sau khi thu hoạch lấy nhân. Lượng vỏ này chứa nhiều chất độc hại, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, lượng lớn cây dã quỳ mọc hoang dại ở vùng đất Tây Nguyên cũng sẽ trở nên có ích khi được sử dụng để tạo nên các chế phẩm sinh học. Do đó, mô hình kết hợp phế thải nông nghiệp và cây cỏ mọc hoang để tạo ra chế phẩm sinh học hữu ích vừa trừ sâu bệnh vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, góp phần bảo vệ môi trường rất cần được quan tâm và ủng hộ.

TS. Phùng Thị Kim Huệ chia sẻ, chế phẩm Combo (Far - Sup) được chiết từ phế thải thực vật là vỏ cứng hạt điều, lá cây dã quỳ, dùng để bảo vệ và chăm sóc cây điều hiện chưa từng có trên thị trường. Sản phẩm của các em học sinh rất có giá trị thực tiễn, không chỉ tận dụng được nguồn vỏ thải của cây điều mà còn khai thác được loại cây dại đặc trưng của địa phương làm nguyên liệu nên giá thành rẻ, giúp bà con nông dân có cơ hội sử dụng các chế phẩm hữu cơ an toàn, đồng thời phát triển cây công nghiệp bền vững.

Thanh Bảo (t/h)