Sức khỏe

Tập huấn nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, 29/12/2021 | 11:35 GMT+7
Nhằm bảo đảm sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 28/12, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam (VAMEDA); Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc thiểu số, miền núi (HRC) phối hợp với Tổ chức APHEDA Việt Nam khai giảng lớp tập huấn "Nâng cao nhận thức về mối nguy hại của amiang đến sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)”.

Khóa tập huấn được tổ chức tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS về mối nguy hại cũng như những thông điệp, khuyến cáo, giải pháp cần thiết để phòng tránh sự tác động xấu đến sức khỏe của amiang.

Cụ thể, các chuyên gia đã phổ biến sự độc hại của amiang trắng và các bệnh liên quan đến amiang, đặc biệt là bệnh ung thư, từ đó đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống tác hại của amiang. Hơn nữa, các chuyên gia cũng nêu bật tính cấp thiết trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về độ độc hại của amiang; áp dụng giải pháp thay thế vật liệu có amiang; tính pháp lý của quyết định cấm sử dụng amiang và tiến tới ngừng sử dụng amiang trắng ở Việt Nam trong tương lai gần.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch VAMEDA cho biết, amiang được sử dụng rộng rãi như trong sản xuất vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng trong xây dựng, đóng tàu biển, tàu ngầm...

Lớp tập huấn "Nâng cao nhận thức về mối nguy hại của amiang đến sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số"

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, nếu hít phải các sợi amiang có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và gây tử vong bao gồm ung thư phổi, u trung biểu mô, bụi phổi amiang. Có tài liệu ước tính, hiện amiang gây ra 255.000 ca tử vong mỗi năm. Trong khi, 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng vị trí thứ 6 trong Top 10 nước sử dụng nhiều amiang; đặc biệt phổ biến ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ở nước ta.

Vùng DTTS chủ yếu thuộc khu vực có địa hình là núi cao, gần biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt nên gặp khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính bởi kinh tế khó khăn nên thiết bị giá rẻ rất được ưu chuộng ở khu vực này. Theo đó, những tấm lợp có chứa amiang với lợi thế giá rẻ đã “chảy dồn” về vùng này khi không thể cạnh tranh được ở đô thị.

Theo khảo sát của HRC tại huyện Thông Nông (Cao Bằng), năm 2019 có đến 35% số hộ gia đình vẫn lợp nhà ở và 60% số hộ vẫn dùng tấm lợp amiang vào các công trình phụ của gia đình. Tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ), khoảng 20% hộ dân dùng tấm lợp amiang để lợp nhà, 35% lợp công trình phụ. Tại Lạng Sơn, các huyện vùng biên giới cũng sử dụng loại tấm lợp này để lợp nhà và các công trình phụ.

Người dân ở các vùng được khảo sát vẫn dùng nước mưa chảy từ mái nhà tấm lợp amiang để ăn uống, các tấm lợp vỡ vụn vẫn được dùng làm nền nhà, nền sân, rải đường đi, hoặc vứt ngổn ngang ở đầu nguồn nước.

Trước những dữ liệu đáng báo động đó, Chính phủ Việt Nam đang dần hạn chế sử dụng loại nguyên liệu này và một trong nhiều giải pháp để hạn chế sử dụng chính là tuyên truyền rộng rãi để nâng cao hiểu biết của người dân.

Theo đó, TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc HRC đưa ra một số kiến nghị tại buổi tập huấn như: Phải đặt lợi ích sức khỏe của nhân dân lên trên hết, có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đang sản xuất tấm lợp có chứa amiang chuyển đổi sản phẩm thay thế. Trợ giá cho những loại tấm lợp không sử dụng amiang. Có kế hoạch thu gom, xử lý sản phẩm có chứa amiang, không để ảnh hưởng môi trường. Không cho phép các chương trình chính sách dân tộc, các chương trình nhân đạo hỗ trợ tấm lợp này cho đồng bào. Yêu cầu các doanh ngiệp trong thời gian chưa chuyển đổi sản phẩm thì phải dán nhãn cảnh báo nguy cơ độc hại của tấm lợp có chứa amiang như dán nhãn thuốc lá. Phải cập nhật hồ sơ quốc gia đối với các bệnh liên quan đến amiang tại các trung tâm ghi nhận ung thư trên toàn quốc.

Thêm vào đó, khi sử dụng nhóm Sepentine để sản xuất tấm lợp phải có xuất xứ rõ ràng; phải sản xuất trong các điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt, nồng độ sợi amiang không vượt quá giới hạn cho phép; có các phương án xử lý phế phẩm, bụi, nước thải, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và môi trường. Khuyến khích sử dụng các loại sợi thay thế sợi amiang trong sản xuất tấm lợp. Đặc biệt cần xây dựng chính sách thay thế dần tấm lợp này ở vùng DTTS.

Thu Hoài - Nguyễn Hà