Nông nghiệp sạch

Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng nông sản địa phương qua chương trình OCOP

Thứ năm, 30/6/2022 | 08:49 GMT+7
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thái Nguyên đã phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra những sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có chính sách hỗ trợ cụ thể về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến, hỗ trợ điểm giới thiệu, bán sản phẩm, thưởng cho các sản phẩm đạt 3 sao trở lên.

Những chính sách này đã tạo ra hiệu quả thực tế, đến nay toàn tỉnh có 129 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm 5 sao, 73 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao của 49 chủ thể là hợp tác xã, 11 chủ thể là doanh nghiệp, 3 chủ thể là tổ hợp tác, 3 chủ thể là cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên có trà tôm nõn của hợp tác xã trà Hảo Đạt ở xã Tân Cương, miến của hợp tác xã miến Việt Cường ở xã Hóa Thượng được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Đảm bảo chất lượng nông sản của các sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên

Theo Giám đốc hợp tác xã miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba, hợp tác xã chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp nên miến Việt Cường được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, được người tiêu dùng tín nhiệm. Cơ sở cũng được tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá bằng nhiều hình thức, đến nay miến Việt Cường được bày bán ở các siêu thị lớn, bước đầu xuất khẩu sang Thái Lan, nhiều nước châu Âu, mỗi năm mang lại doanh thu 30 tỷ đồng.

Đề án OCOP cũng giúp “Tứ đại danh trà” Khe Cốc ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương tìm lại chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa thích, gần đây đã được xuất khẩu sang châu Âu.

Phó Chánh Văn phòng Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng chia sẻ: "Không chạy theo số lượng, tỉnh ban hành tiêu chuẩn riêng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường an toàn thực phẩm. Từ đó, nhận thức của các chủ thể, nhất là nông dân về chất lượng sản phẩm OCOP được coi trọng, người tiêu dùng tín nhiệm, giá trị gia tăng của sản phẩm được nâng lên, thúc đẩy liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, củng cố, phát triển hợp tác xã ở nông thôn”.

Các sản phẩm OCOP đã tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích trà đạt 750 triệu đồng/năm, cây ăn quả đạt 350 triệu đồng/năm; năm 2021 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Thái Nguyên đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng khoảng 4%, góp phần đưa gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, số lượng sản phẩm ngoài trà đạt tiêu chuẩn OCOP còn ít, chủ yếu là sản phẩm truyền thống, chưa được chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao hơn, xuất khẩu còn hạn chế. Khắc phục hạn chế này, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng như dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng giá trị của sản phẩm.

Xuân Hùng (T/H)