Thẩm định Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

Chủ nhật, 6/8/2023 | 00:41 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nêu rõ, Quy hoạch vùng bờ có mối liên hệ chặt chẽ với quy hoạch đất đai và sắp tới là quy hoạch biển, quản lý và sử dụng bền vững không gian biển, liên quan đến quy hoạch chung của 28 địa phương có biển và nhiều quy hoạch chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng.

Theo đó, các thành viên Hội đồng thẩm định, lãnh đạo, đại diện một số Bộ, ngành, địa phương… cần đóng góp ý kiến thẳng thắn, làm rõ phạm vi, cơ sở thực tiễn, khoanh định ranh giới khu vực đất đai, không gian biển và vùng bờ; cơ chế quản lý tổng hợp, điều phối giữa các Bộ, ngành và địa phương; những khu vực thực hiện chức năng sinh thái cần tiến hành phục hồi, bảo tồn sinh thái; khu vực có chức năng bảo vệ bờ biển; điều kiện khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản bền vững…

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ phạm vi điều chỉnh của quy hoạch, cơ sở khoa học để tính toán phạm vi đối tượng áp dụng. Đồng thời, giải thích rõ vấn đề ranh giới, phân định, các quy định theo các luật liên quan và theo quy hoạch các cấp, từ đó đưa ra cơ chế quản lý tổng hợp, cơ chế điều phối giữa các ngành với vùng bờ.

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã nhấn mạnh việc lấy trọng tâm là kinh tế nhưng không thể lơ là nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển, khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ. Quy hoạch cần thể hiện rõ tính liên ngành, trên nền tảng quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên vùng bờ phù hợp với đặc điểm, khả năng chống chịu của môi trường, hệ sinh thái.

Theo GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Quy hoạch nên điều chỉnh giai đoạn thực hiện đồng bộ với quy hoạch khác; bổ sung thêm các thông tin về tiềm năng tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể, môi trường, trong đó có môi trường xuyên biên giới và các tác động trên lưu vực sông, vùng bờ, đặc biệt là nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai… Từ đó, xây dựng các hệ thống bản đồ phân vùng, bản đồ quy hoạch và định hướng sử dụng tài nguyên vùng bờ phù hợp, sát thực tế.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh quy hoạch một số cảng biển thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế để phù hợp thực tế địa hình, địa phương. Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhập khu vực không gian biển ưu tiên cho quốc phòng, nhằm tránh quy hoạch phát triển chồng chéo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Quy hoạch sẽ có sự giao thoa với rất nhiều quy hoạch chuyên ngành về không gian biển, hạ tầng ven biển, đường ven biển, khai thác nước ngầm… vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ để không gây xung đột, chồng lấn.

Phó Thủ tướng khẳng định, Quy hoạch có đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý, có mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch giao thông... Vì vậy, cần lựa chọn hướng phát triển hiệu quả, kinh tế, phù hợp nhất với môi trường, hệ sinh thái, giúp sàng lọc vấn đề kinh tế với môi trường, sàng lọc các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên… theo nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn lực vùng bờ, dựa trên cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Quy hoạch làm rõ tiêu chí xác định những khu vực có thể lấn biển, sử dụng làm nơi nhận chìm vật, chất nạo vét tại các cảng biển, luồng lạch. Quy hoạch phải giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khác, lựa chọn được phương án phát triển tốt nhất dựa trên tài nguyên, môi trường, hiệu quả kinh tế.

Khánh An (T/H)