Nông nghiệp sạch

Thanh Hóa: Canh tác thủy canh hướng đến bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 22/1/2021 | 15:44 GMT+7
Những năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều mô hình, hoạt động canh tác nông nghiệp vừa hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Tại thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) thời gian qua đã xuất hiện mô hình trồng rau thủy canh. Mô hình này nhanh chóng cho thấy thế mạnh của công nghệ trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời không gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Ưu điểm của phương pháp này là hệ thống giàn thủy canh cách mặt đất 80cm, nên hạn chế tối đa các mầm bệnh, sinh vật gây hại đến cây trồng.

Bên cạnh đó, cây trồng sẽ được cung cấp chất dinh dưỡng từ bể dinh dưỡng thông qua máy bơm 2 chiều chảy qua hệ thống ống dẫn. Do toàn bộ chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước nên ta có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, quả. Đồng thời, có thể can thiệp, loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước. Trong điều kiện nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao gấp 2 lần so với sản xuất theo phương pháp thổ canh truyền thống. Có thể nói, phương pháp thủy canh không phải sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước ngầm.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng

Song song với mô hình trồng rau thủy canh, người dân ở thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa còn kết hợp mô hình nhà màng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Việc chăm sóc cây trồng trong môi trường khép kín giúp hạn chế tối đa các tác động từ môi trường bên ngoài như nắng hạn, gió bão. Hơn nữa, các loại côn trùng, sâu bệnh cũng sẽ không có “cơ hội” để tiếp xúc đến cây trồng nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo thực phẩm sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, một số hộ dân còn lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động cho nhà màng của mình. Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây theo định sẵn, tiết kiệm đáng kể nguồn nước, sức lao động.

Các loại rau thường được ưu tiên canh tác là cải canh, cải bó xôi, xà lách, rau gia vị… Theo ước tính của một doanh nghiệp sản xuất rau thủy canh nhà màng, một ngày cơ sở này cung cấp 70 - 80 kg rau các loại ra thị trường, được các siêu thị, cửa hàng rau sạch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành lân cận đặt mua. Theo đó, giá bán của các loại rau này dao động từ 40.000 - 80.000 đồng/kg, ước tính doanh thu trên dưới 300 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến cho biết, mô hình trồng rau thủy canh được đưa vào sản xuất trên địa bàn xã vào năm 2018. Chi phí đầu tư cho mô hình này không nhiều nhưng hiệu quả về năng suất lại hơn hẳn so với phương pháp ươm trồng truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình này còn tiết kiệm được nhiều sức lao động, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn đối với môi trường và con người.

Khánh An (t/h)