Giao thông xanh

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án cao tốc Nha Trang và Đồng Nai đến Đà Lạt

Thứ năm, 5/9/2024 | 09:01 GMT+7
Chiều ngày 4/9, sau buổi khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng và các nhà đầu tư để phân tích, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với dự án của 3 tuyến cao tốc: Nha Trang-Đà Lạt, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Cao tốc Nha Trang-Đà Lạt: Xem xét chủ trương đầu tư

Dự án cao tốc Nha Trang-Đà Lạt dự kiến dài hơn 80,8 km; giai đoạn thực hiện khoảng từ 2024 - 2028. Điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tuyến cao tốc này sẽ kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của quốc gia, thành phố biển Nha Trang và thành phố núi Đà Lạt. Theo các nhà thiết kế, sau khi hoàn thành đây là tuyến cao tốc đẹp nhất nước; khoảng cách và thời gian rút ngắn còn khoảng 1,5 – 2 giờ (hiện tại khoảng 3,5-4 giờ theo Quốc lộ 27C).

Phương án thiết kế sơ bộ tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt 

Tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt sẽ là huyết mạch quan trọng từ các tỉnh, thành phía Bắc lên Đà Lạt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Trong đó đặc biệt là kinh tế du lịch, kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Đồng thời, tuyến giao thông chất lượng cao này sẽ là trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc.

Từ sự cần thiết nêu trên, hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa đã có những buổi làm việc thống nhất nhiều nội dung quan trọng, trong đó tỉnh Khánh Hòa sẽ làm chủ đầu tư. Đại diện đơn vị đầu tư, ông Nguyễn Viết Hải-Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải đề xuất Chính phủ một số cơ chế đặc thù, chủ yếu về rừng khi triển khai tuyến cao tốc này. 

Ông Trần Hòa Nam-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trình bày khái quát về dự án cao tốc Nha Trang-Đà Lạt 

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tổng mức đầu tư sơ bộ dự án của cao tốc Nha Trang-Đà Lạt là 25.058 tỉ đồng, gồm vốn nhà nước khoảng 17.540 tỉ đồng (70%), vốn nhà đầu tư huy động 7.517 tỉ đồng (30%). Trong đó, chi phí thiết bị - xây dựng 18.889 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 1.171 tỉ đồng, chi phí dự án 3.060 tỉ đồng, còn lại là chi phí khác.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt hiện Bộ chưa có kế hoạch bố trí vốn nhưng đề nghị 2 tỉnh trước mắt cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị kỹ kế hoạch đầu tư để tiến tới hình thành được chủ trương đầu tư.

Giải pháp thiết kế cầu cạn trên tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt nhằm hạn chế tác động đến rừng 

Các nhà tư vấn, thiết kế đã đề nghị phương án 1 trong 3 phương án đối với tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt, đó là tuyến ngắn nhất với hơn 99 km (song song Quốc lộ 27C). Tuyến phải đi qua khoảng 409 ha rừng, trong đó khoảng 14km thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà… Nhằm hạn chế tác động đến rừng, đơn vị tư vấn, thiết kế đề xuất phương án sử dụng giải pháp xây cầu cạn và tường chắn mềm nơi có độ dốc taluy thẳng đứng.

Thay mặt 2 địa phương, ông Trần Hòa Nam đề xuất triển khai đầu tư xây dựng dự án trước năm 2030; chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ 70% vốn ngân sách cho phép; phương thức đầu tư PPP...

Ông Nguyễn Thái Học-Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cùng chủ trị buổi làm việc 

Đánh giá tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt là công trình hết sức quan trọng kết nối miền Trung với Tây Nguyên và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, Phó Thủ tướng Trần  Hồng Hà kết luận, trước mắt là xem xét chủ trương đầu tư. Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Sơn Hải cùng 2 tỉnh và Bộ Giao thông vận tải đồng hành xây dựng các giải pháp về kỹ thuật tối ưu nhất; tính toán kỹ lưỡng giải quyết chênh lệch độ cao của địa hình, xác định tính chính xác các hướng tuyến và khoảng cách tuyến; làm rõ hơn về hiệu quả kinh tế của dự án…Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thời lưu ý, cần áp dụng công nghệ, thiết bị tốt nhất để thi công nhằm khắc phục sự chênh lệch địa hình, đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật an toàn, hài hòa với thiên nhiên và hạn chế tối đa tới rừng. Khi đã đầy đủ các nội dung tiếp theo là báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau đó trình Quốc hội xem xét phê duyệt.

Cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương: Cùng tháo gỡ để thi công

Bản đồ hướng tuyến cao tốc Tân Phú-Liên Khương

Dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 10/2022. Tuyến có chiều dài khoảng 66 km (đoạn qua Lâm Đồng 55km). Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 17.200 tỉ đồng (vốn nhà nước chiếm 37,79% còn lại vốn sở hữu các nhà đầu tư và huy động khác. Dự án đầu tư theo hình thức PPP).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khảo sát thực tế hiện trường 

Dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 12/2022. Tuyến có chiều dài khoảng 73,64km. Tổng mức đầu tư khoảng trên 19.500 tỉ đồng (vốn nhà nước chiếm 39,76% và còn lại là vốn sở hữu các nhà đầu tư và huy động khác).    

Đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị đối với dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc về nguồn vốn nhà nước và cơ chế chia sẻ doanh thu. Ông Phạm S cũng nêu vấn đề chồng lấn diện tích của 2 dự án cao tốc với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ).

Ông Trần Hồng Thái-Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về cao tốc tuyến Tân Phú-Liên Khương 

Đại diện các bộ, ngành trung ương đều đánh giá 2 dự án cao tốc là rất thiết thực, cần thiết và hiệu quả cao. Các ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư để triển khai dự án khi hội đủ những điều kiện cần thiết, từ cơ chế của nhà nước đến năng lực nhà đầu tư, hiệu quả đầu tư...

Việc tăng vốn nhà nước, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, khi tỉnh chưa giải ngân được vốn đã được cấp thì sẽ rất khó tăng, cho nên, trước mắt, tỉnh cần sớm cân đối nguồn vốn, giải ngân vốn đã được phê duyệt đối với cả 2 tuyến cao tốc.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết vì tính chất quan trọng của dự án cao tốc việc triển khai dự án là có thể được không cần thay đổi quy hoạch khoáng sản trước đó

Về chồng lấn Quy hoạch khoáng sản, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên khẳng định có thể giải quyết được theo hướng triển khai các dự án không cần phải điều chỉnh quy hoạch khoáng sản.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các dự án giao thông kết nối nội vùng, liên vùng có vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát huy tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và những khu vực khác. Về thu hút nguồn lực đầu tư và hiệu qủa đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết ngân sách nhà nước hiện nay không thay đổi được, nhưng nguồn lực đầu tư thì có thể giải quyết. Phó Thủ tướng cũng đề nghị hình thành các liên danh của các ngân hàng để giảm tổng sở hữu của các ngân hàng đối với các dự án đầu tư. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản hướng dẫn về chính sách và tính đồng bộ về giao thông của các dự án cao tốc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận buổi làm việc 

Đối với dự án Tân Phú-Bảo Lộc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ ngành liên quan, nhà đầu tư cùng địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc liên quan đến tỉ lệ vốn tham gia dự án, nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để sớm triển khai dự án theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Đối với dự án Bảo Lộc – Liên Khương, Phó Thủ tướng cho rằng, nhà đầu tư có thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư. Nhà đầu tư và tỉnh Lâm Đồng cần rà soát lại và triển khai toàn tuyến phải đồng bộ mới phát huy tính hiệu quả của tuyến cao tốc.

Minh Đạo
: caotocmoi