Thảo luận tìm giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng

Chủ nhật, 27/8/2023 | 16:17 GMT+7
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng.

Tọa đàm Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng

Theo báo cáo tại tọa đàm, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung đầu tư, cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất sinh kế có hiệu quả như: mô hình trồng mới và thâm canh cây ăn quả (bưởi da xanh, mãng cầu, táo) theo hướng VietGAP; sản xuất rau an toàn; cải tạo chất lượng đàn cừu; tưới tiết kiệm trên cây măng tây xanh; dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu”; ứng dụng công nghệ đèn LED trong khai thác hải sản đem lại hiệu quả tích cực, ngày càng được nhân rộng.

Cùng với đó, tỉnh từng bước phát triển cánh đồng lớn; triển khai các liên kết chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, đã hình thành 10 vùng liên kết sản xuất hướng đến xuất khẩu; giá trị sản xuất đạt 137 triệu đồng/ha đất canh tác, tỷ lệ diện tích tưới chủ động đạt 62,38%; chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn sinh học, hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao, tăng cả về quy mô và sản lượng thịt.

Về vấn đề giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai, đại diện ngành nông nghiệp Ninh Thuận cho biết, theo đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đến toàn dân trong phòng, chống thiên tai; cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, bảo vệ công trình, cơ sở vật chất và tổ chức sản xuất, kinh doanh bảo đảm không bị gián đoạn khi có thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, chú trọng tập huấn chuyên môn, kiến thức để thay đổi nhận thức đối với tất cả các cấp và người dân, chuyển từ tập trung ứng phó sang chủ động phòng ngừa và quản lý rủi ro thiên tai. Cải tiến nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng giai đoạn phòng, chống thiên tai, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng nhóm cộng đồng, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương; hoạt động phòng ngừa gắn với công tác giáo dục, tập huấn, đào tạo, giúp cộng đồng hiểu biết về vai trò, ý nghĩa của công tác phòng ngừa trong giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trước thiên tai.

Ban tổ chức tọa đàm còn đưa ra các báo cáo đề dẫn về công tác phòng, chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng khu vực Nam Trung Bộ; tình hình thiên tai năm 2023 và tác động tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận; một số giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp khu vực Nam Trung Bộ.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, nhà khoa học, chuyên gia đã thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của hạn hán, thiếu nước gay gắt, kéo dài trên diện rộng nhiều năm liền. Chương trình thảo luận vừa mang hàm lượng khoa học chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp vừa có tính thực tiễn.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá, buổi làm việc đã cung cấp những thông tin hữu ích để các cơ quan quản lý, các đơn vị chuyên môn, chính quyền và người dân địa phương tham khảo, ứng dụng và triển khai trong thực tiễn sản xuất. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, người nông dân nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp của khu vực Nam Trung Bộ nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Kết quả của buổi tọa đàm  mở ra những mối liên hệ mới giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông mà hệ thống khuyến nông các cấp là nhịp cầu nối.

Phương An (T/H)