Thúc đẩy nhận thức giảm nhựa, quản lý rác thải trong thanh thiếu niên

Thứ sáu, 25/8/2023 | 17:17 GMT+7
Trong khuôn khổ hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu (GYS 2023), Trung tâm Truyền thông Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp cùng Quỹ Hemisphere (Singapore), Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) tổ chức diễn đàn "Nóng lên toàn cầu - Nước biển dâng".

Hội nghị GYS 2023 có sự tham gia của nhiều thanh thiếu niên độ tuổi từ 14 – 22, đến từ: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Nigieria, Mongoria, Đài Loan, cùng các chuyên gia, giám khảo, diễn giả trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ hội nghị, người tham gia được nghe và cùng thảo luận về quản lý rác thải nhựa, biến đổi khí hậu (BĐKH), các sáng kiến mô hình, giải pháp hay nhằm hỗ trợ nghiên cứu môi trường bản địa, sinh kế người dân gắn với phát triển bền vững. Từ đó, khuyến khích lớp trẻ nâng cao nhận thức, ý thức và hiểu biết về tài nguyên, thiên nhiên, các vấn đề về môi trường, nước sạch, năng lượng, tái chế, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, đa dạng sinh học, thích ứng với BĐKH…

Thanh thiếu niên các nước tham dự GYS 2023

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Bình Định chia sẻ, tại thành phố Quy Nhơn, trong 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh gần 300 tấn/ngày, khoảng 60 tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi ngày. Trước tình trạng trên, tỉnh đã xây dựng khoảng hơn 20 cơ sở tái chế phế liệu, trong đó có 1 cơ sở quy mô công nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải trong quá trình hoạt động nhằm xử lý và tái chế rác thải. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai một số dự án về bảo vệ môi trường, hiện đang hoạt động dự án Thí điểm các mô hình quản lý CTR sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2021 – 2023. Tỉnh còn triển khai một số mô hình giảm sử dụng túi nilon; điểm du lịch không rác thải nhựa; trường học không rác thải nhựa; thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa tại nguồn trong khai thác thủy sản…

Ông Nguyễn Việt Cường đề xuất, cơ quan quản lý cần sớm ban hành hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn; chọn lọc và phổ biến triển khai những mô hình, chương trình, phong trào trong hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch phân loại rác tại nguồn, phân loại chất thải nhựa; xây dựng chuỗi liên kết thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa…

Bà Hoàng Thị Diệu Linh, cán bộ về chất thải và kinh tế tuần hoàn của UNDP đánh giá, nhận thức của công chúng, cộng đồng và doanh nghiệp về quản lý CTR tại tỉnh Bình Định vẫn còn hạn chế và thiếu cơ sở hạ tầng để thu gom và phân loại chất thải. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân cần áp dụng việc xác định khối lượng rác thải nhựa theo từng loại để tái chế và xử lý đúng cách; xác định khối lượng rác thải nhựa theo phân loại không được quản lý, rò rỉ ra biển; cần xây dựng một số giải pháp xử lý rác thải nhựa giá trị thấp tại bãi rác Long Mỹ (gạch nhựa tái chế thành gạch lát đường, gạch tái chế xây tường, công trình công cộng, thanh nhựa tái chế làm nội thất, lợp mái nhà…).

Tại hội nghị, các đại biểu trong đó có đại biểu thanh thiếu niên cũng tích cực trao đổi, thảo luận nhóm về vấn đề kinh tế tuần hoàn, hiện trạng và giải pháp hạn chế nóng lên toàn cầu, nước biển dâng; từ đó đưa ra các ý tưởng sáng kiến xanh, bảo vệ môi trường.

Lâm Bảo (T/H)