Thêm giải pháp cải thiện chất lượng môi trường ở TPHCM

Thứ sáu, 16/4/2021 | 16:17 GMT+7
Trước những vấn nạn lớn về vấn đề môi trường mà TPHCM đang gặp phải, lãnh đạo thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tập trung cải thiện chất lượng môi trường, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Theo thống kê, tỷ lệ chất thải nhựa thải ra môi trường trên địa bàn TPHCM đang có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày, người dân ở thành phố thải ra môi trường gần 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có đến 80% rác thải được xử lý theo công nghệ lạc hậu là chôn lấp.

Bên cạnh chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, khí thải từ phương tiện giao thông, nhà máy cũng là vấn đề đáng lo ngại. Riêng nước thải sinh hoạt, hiện toàn thành phố thải ra hơn 1.450.000m³/ngày đêm, trong khi lượng thu gom, xử lý nước thải tập trung chỉ ở khoảng 13%, tương đương 190.000m³/ngày đêm.

Rác thải nhựa và nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM cho biết, chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố giai đoạn 2011 - 2020 đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã kéo theo nhiều vấn đề về môi trường, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp hơn. Vì vậy, UBND thành phố đã phê duyệt Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030.

Theo chương trình, đối với chất thải rắn sinh hoạt, TPHCM đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, tới năm 2030 đạt 100%. Đối với nước thải đô thị, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ thu gom, xử lý tập trung đến năm 2025 đạt 58%, tới năm 2030 đạt 88%. Riêng về khí thải, thành phố phấn đấu giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm từ hoạt động giao thông vận tải. Thành phố phấn đấu từng bước cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, lãnh đạo thành phố đã đề ra 5 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi, hình thành thói quen tích cực trong bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực môi trường, phát triển công nghệ thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó là nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước và các tổ chức quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Song song với việc thực hiện các nhóm giải pháp trên, TPHCM sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường. Qua đó đáp ứng yêu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững.

Mỹ Dung (T/H)