Sức khỏe

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng dịch trong tình hình mới

Thứ ba, 5/7/2022 | 11:09 GMT+7
Ngày 5/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo về tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường với sự xuất hiện biến thể phụ BA.5 của Omicron tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Trong nước, sau khi tình hình dịch được kiểm soát tốt, nhiều địa phương đã có tâm lý lơ là, chủ quan, nhất là trong việc tiêm vaccine; việc kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt.

Phiên họp diễn ra theo hình thức trực tuyến

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19. Trong tháng 6 vừa qua, số mắc chững lại ở khoảng 600 - 700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.

Về tình hình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, đến hết ngày 3/7/2022, Việt Nam tiêm được hơn 233 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 97,3%. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12 - 17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%.

Đáng lưu ý, biến thể phụ BA.5 của Omicron ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Do đó, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh hơn nữa thông tin, truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19; chuyển tải thông điệp mới (V2K) rõ ràng, dễ hiểu để người dân yên tâm và không chủ quan, lơ là.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ về chi trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch.

Linh Giang (T/H)