Văn hóa, du lịch

Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc

Thứ bảy, 16/10/2021 | 19:03 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình hành động số 312/CTr-UBND về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa của cả nước, khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Chương trình, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố bền vững môi trường ASEAN và đạt danh hiệu thành phố sáng tạo về văn hóa.

Chương trình hành động đã nêu rõ một số chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu trong thời gian tới. Bao gồm: hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế; bảo quản, tu bổ, phục hồi 5 công trình thuộc cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 25 di tích có giá trị tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; hoàn thành công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích; kiểm kê toàn bộ hệ thống di tích, di vật, trong đó 70% di tích, di vật được lập hồ sơ khoa học; 60 - 70% các di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và lập hồ sơ.

Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện hồ sơ Ca Huế đệ trình UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; xây dựng 5 hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có ẩm thực Huế (bún bò Huế, bánh Huế, chè Huế), áo dài Huế, nghề làm gốm Phước Tích.

Đồng thời, hoàn thành một số thiết chế văn hóa như: quảng trường trước Trung tâm Thể thao tỉnh, Trung tâm Văn hoá và Hội nghị tỉnh; di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh; bảo tồn tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên; Trung tâm biểu diễn Ca Huế thính phòng; nâng cấp cơ sở trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế (giai đoạn II) và Thư viện tổng hợp tỉnh.

Mặt khác, phấn đấu 95% gia đình, khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị và 80% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa; 100% các xã đăng ký xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Để đạt được mục tiêu trên, các cơ quan quản lý, cơ sở văn hóa, lãnh đạo địa phương cần xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa Huế, con người Huế mang đậm bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa Huế. Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa. Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố lễ hội của Đông Nam Á. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm văn hóa lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. 

Phát triển nền văn hóa công vụ, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng môi trường và đời sống văn hoá lành mạnh. Chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thanh Tâm