Tiết kiệm điện năng

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp

Thứ sáu, 26/8/2022 | 16:51 GMT+7
Ngày 26/8, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp".

Đánh giá về việc sử dụng năng lượng hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) cho rằng cần phải cải thiện chất lượng “cầu” của năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn.

Ông Hoàng Việt Dũng, chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2030 tương ứng việc tiết kiệm 60 - 80 triệu tấn dầu quy đổi, các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8% lên tới 24,81% theo ngành/phân ngành.

Các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp"

Theo ông Dũng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp có thể đạt từ 20 - 30% nhưng để tiềm năng tiết kiệm năng lượng trở thành hiện thực cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính bao gồm: rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong đó, nhóm giải pháp về tài chính là giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 - 2030 cần được đẩy mạnh. Về giải pháp này, Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong đó có các dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng… Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, tập trung bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi cho hoạt động đầu tư tiết kiệm năng lượng và xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng...

Chia sẻ về các nguồn lực quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong triển khai các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ông Hoàng Việt Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực năng lượng nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng như: Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 hợp tác tác với Chính phủ Đan Mạch.

Ngoài ra còn một số chương trình khác như: Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn II do USAID tài trợ, dự án thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) hay hợp tác với đối tác GIZ để tài trợ hỗ trợ truyền thông, đào tạo, đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng. 

Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng đã và đang được triển khai thực hiện rất tích cực trong thời gian qua tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng. Nói về nguyên nhân, ông Dũng cũng cho biết, nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về lợi ích của tiết kiệm năng lượng còn chưa đầy đủ.

Trong khi đó, ông Mã Khai Hiền nhận định, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức chủ quan và khách quan nên cũng ảnh hưởng đến vận hành ổn định của doanh nghiệp, doanh nghiệp thường có tâm lý ngại ngần khi quyết định đầu tư dài hạn cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, nguồn nhân lực tư vấn chuyên sâu về công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu.

Thị trường hiện chưa có nhiều quỹ đầu tư hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, thay đổi công nghệ hướng tới tiết kiệm năng lượng chưa có hoặc hạn chế. Mô hình ESCO ở Việt Nam chưa thành công, có chăng chỉ có mô hình ESCO mặt trời thành công còn nâng cấp chuyển đổi công nghệ thì gặp rất nhiều khó khăn và khó thực hiện.

Doanh nghiệp sản xuất thực hiện giải pháp sử dụng điện tiết kiệm

Tại diễn đàn, bà Đinh Hương Thủy, Phó Giám đốc Ban nguồn vốn ủy thác quốc tế, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp khi thực hiện vay vốn đối với các dự án tiết kiệm năng lượng. Theo bà Thủy, việc đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là thường xuyên cập nhật công nghệ. Đồng thời, ngay từ khi triển khai xây dựng dự án, doanh nghiệp cần tính toán rất kỹ mức tiêu thụ năng lượng, những thông số kỹ thuật và tác động đến môi trường – xã hội vì các nhà tài trợ rất quan tâm đến thông số này để có thể đủ điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch tài chính rất cụ thể để đảm bảo toàn bộ dự án được diễn ra thực hiện thông suốt. 

Bên cạnh đó, phía ngân hàng sẽ thường xuyên cập nhật những thông tin, những gói sản phẩm hỗ trợ trên website chính thức và các nền tảng mạng xã hội để doanh nghiệp có thể tìm kiếm những gói hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp mình.

Ông Hoàng Việt Dũng cho rằng, điểm nghẽn về đầu tư tiết kiệm năng lượng trên quy mô rộng chính là cơ chế tài chính ưu đãi cũng như hành lý pháp lý, nguồn vốn dồi dào hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng. Mặc dù nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng trong Chương trình VNEEP 3 có một hợp phần về thí điểm xây dựng quỹ hỗ trợ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, hy vọng trong những năm tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thí điểm vận hành quỹ này.

Tiến Đạt