Năng lượng tái tạo

Thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng

Thứ ba, 25/10/2022 | 14:29 GMT+7
Từ ngày 24 – 27/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tọa đàm Chuyển dịch năng lượng công bằng, Chuyển đổi số và Bình đẳng giới.

Tọa đàm là cơ hội để các bên có thể trao đổi, nắm bắt các xu hướng mới về chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số cũng như các hoạt động về bình đẳng giới trong ngành năng lượng tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, việc chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ thay đổi mọi khía cạnh của xã hội và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, ngành nghề mới, cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ trở thành động lực góp phần phát triển ngành năng lượng xanh ở Việt Nam.

Trong ngày đầu tiên của tọa đàm, đại biểu đã nghe các bài trình bày của các chuyên gia về chuyển dịch năng lượng công bằng và chuyển đổi số trong quá trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời tham gia hai phiên tọa đàm với nội dung: các điều kiện cho chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam và chuyển đổi số để thực hiện hóa mục tiêu giảm phát thải carbon.

Hướng tới chuyển dịch năng lượng công bằng. (Ảnh minh họa)

Bà Regina Ecker, Giám đốc quốc gia Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam – Lào cho biết, GIZ sẽ luôn hỗ trợ và hợp tác một cách tích cực với Việt Nam nói chung, EVN nói riêng để góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, trong đó có việc thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, đồng thời thúc đẩy Việt Nam đạt được các cam kết đối với việc giảm phát thải khí nhà kính.

Theo các chuyên gia tại tọa đàm, việc chuyển dịch năng lượng mang lại nhiều cơ hội hơn rủi ro cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, một số thách thức cần đặc biệt chú ý trong quá trình bắt đầu chuyển dịch năng lượng để đảm bảo tính công bằng là: rủi ro xung đột đất đai, đảm bảo sinh kế và việc làm cho người dân địa phương, đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo chế độ phúc lợi và quyền lao động cơ bản...

Các chuyên gia cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu hài hòa lợi ích các bên liên quan, việc cần ưu tiên hơn hết chính là thúc đẩy trao đổi thông tin và học hỏi từ các quốc gia có bối cảnh tương đồng với Việt Nam.

Cùng với quá trình điện khí hoá đang diễn ra rất tích cực và sự phát triển của các nguồn năng lượng phân tán, chuyển đổi số đang góp phần giảm bớt chênh lệch cung - cầu năng lượng, đồng thời tạo các nền tảng số để các khách hàng tiêu thụ năng lượng có thể tương tác trực tiếp trong việc cân bằng cung - cầu theo thời gian thực. 

Chuyển đổi số có thể khuyến khích người tiêu dùng thuộc mọi thành phần phụ tải tham gia tích cực vào các hoạt động của hệ thống năng lượng. Các công nghệ số có tiềm năng thúc đẩy các hệ thống năng lượng ở Việt Nam theo hướng tăng cường kết nối, hoạt động thông minh, hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững.

Tiến Đạt