Theo thông tin tại hội nghị, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã chung tay hành động để xử lý vấn đề ô nhiễm ở công trình Bắc Hưng Hải. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xây dựng dự thảo Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường kiểm soát ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, trong đó có hệ thống Bắc Hưng Hải. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải; điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia trong đó có quản lý các thông tin nguồn thải phát sinh nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; rà soát, xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với nước thải nhằm kiểm soát chặt chẽ nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả ra môi trường nói chung và hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng...
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các địa phương thống nhất đề nghị Trung ương chỉ đạo bố trí nguồn lực đầu tư cho các công trình xử lý nước thải tập trung, chú trọng ở khu đô thị cũ nằm ven sông; tăng cường phối hợp giữa các địa phương đầu nguồn và cuối nguồn, vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý để đảm bảo sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Đặc biệt, đề nghị Hà Nội phải thực sự quyết tâm xử lý các nguồn gây ô nhiễm; cần kiên quyết hơn trong xử lý các vi phạm môi trường.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đánh giá, các địa phương, Bộ, ngành đã quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT cần tiếp tục chỉ ra đúng nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể gắn với các Bộ, ngành, địa phương để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Nếu cần thiết, Bộ sẽ thành lập Ban quản lý lưu vực sông và trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND tỉnh để tạo sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp giữa các địa phương nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, có cơ hội cứu những dòng sông “chết”.
Về cơ chế chính sách, Bộ TN&MT sẽ ban hành kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường để khoanh vùng và có phương án giám sát đặc biệt đối với những nguồn phát thải cao, có nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải.
Ghi nhận những giải pháp công trình gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường mà các địa phương đề xuất, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương cần sớm triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải, quy hoạch làng nghề.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng tán thành nhiều giải pháp về truyền thông được các Bộ, ngành, địa phương đưa ra trong việc tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, qua đó đề nghị các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ này để mỗi người dân, doanh nghiệp đều nắm được quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải nói riêng.