Tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường 2024

Thứ hai, 13/5/2024 | 15:19 GMT+7
Theo Công văn số 2964/BTNMT-TTTT, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.

Với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, Ngày Môi trường thế giới năm 2024 có mục tiêu kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên thế giới.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, ban, Bộ ngành quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động sau: tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng, quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định; tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”

Xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng, chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái của từng vùng. Tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm và đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng, thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận thông tin, kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc. Tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa, hạn hán.

Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa, bên cạnh đó nghiên cứu, áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phát triển sinh kế bền vững.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024; các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình ứng dụng công nghệ tiên tiến về phục hồi đất đai, chống hạn hán và sa mạc hóa. Đa dạng các phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông, tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của toàn xã hội.

Tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa. Phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên.

Từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6/2024, đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Treo băng rôn, pano, áp phích tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới năm 2024.

Phương An