Văn hóa, du lịch

Tiếp tục trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản di tích cố đô Huế

Thứ năm, 4/8/2022 | 14:26 GMT+7
Mới đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế về công tác trùng tu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong giai đoạn hiện nay.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, lịch sử vùng đất cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu. Đó là hệ thống quần thể di tích đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, phủ đệ… cùng với các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc và các thành tố cảnh quan độc đáo gắn liền với các khu di sản.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, với 2 đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, quần thể di tích cố đô Huế đã có tổng cộng gần 200 công trình và hạng mục công trình được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Tổng mức đầu tư công trình giai đoạn 1996 - 2021 trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguồn vốn tài trợ quốc tế từ 1993 đến 2020 là trên 8 triệu USD.

Trùng tu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản tại di tích cố đô Huế

Quy trình bảo tồn, trùng tu di tích rất nghiêm ngặt, bảo đảm các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế. Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh (thuộc khu vực Đại nội); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định)... và hiện đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long…

Sau khi nghe báo cáo của Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật thể có ý nghĩa rất quan trọng, vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững sau đại dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch nước nhận xét, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.

Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng công trình di tích để có biện pháp xử lý phù hợp, nâng cao giá trị và tuổi thọ của công trình. Phát huy giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền, lan tỏa tình yêu và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Huế cho cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ, diễn viên và thế hệ trẻ. Tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu về các loại hình nghệ thuật để thuận lợi hơn trong quản lý và khai thác.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa vô cùng quý báu, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội Thừa Thiên Huế, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phương An (t/h)