Nông nghiệp sạch

Tôm sạch, lúa sạch từ mô hình nuôi tôm xen lúa

Thứ năm, 13/5/2021 | 15:50 GMT+7
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa cho thấy hiệu quả khả quan, tạo ra sản phẩm tôm, lúa sạch, an toàn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp ở các khu vực ven biển, nhiều người dân đã quan tâm hơn đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình mới vào sản xuất nông nghiệp. 

Trong đó, thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã phối hợp với Hội Nông dân các xã An Thuận (huyện Thạnh Phú), Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại) triển khai mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực xen lúa với tổng quy mô 7ha.

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm cùng với địa phương và các hộ dân tham gia chương trình thực hiện tốt các khâu từ chọn giống, thức ăn và chế phẩm sinh học, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ nuôi.

Theo các hộ nuôi, giống tôm càng xanh được mua tại các trại sản xuất có uy tín, con giống khỏe mạnh và đồng đều. Ngoài thức ăn chính là thức ăn công nghiệp, người nông dân còn sử dụng thức ăn được chế biến từ các nguyên liệu như trùn quế, cá biển, cám, ruốc, ốc bươu vàng, còng… Ngoài ra, việc thay nước cho ao tôm thường xuyên cũng được hướng dẫn và đảm bảo thực hiện đều đặn.

Mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa cho năng suất, chất lượng cao

Do môi trường trồng lúa phù hợp nên tôm càng xanh phát triển tốt, tăng trưởng nhanh. Tôm nuôi chỉ cần sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hoặc bổ sung một ít thức ăn chế biến nên hiệu quả kinh tế khá cao.

Việc cấy lúa trên đất nuôi tôm giúp cải tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm nuôi và giảm mầm bệnh. Kết quả mô hình canh tác tôm - lúa kết hợp đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Đánh giá kết quả thu được từ mô hình, tỷ lệ tôm sống đạt hơn 60%. Đa số các hộ dân đã thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/ha. Về lúa, mỗi ha thực hiện mô hình, nông dân thu được khoảng 7 tấn lúa sạch. Lợi nhuận từ mô hình luân canh tôm càng xanh xen lúa ước đạt khoảng 100 triệu đồng đối với mỗi hộ tham gia.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thuận, ông Phạm Văn Chót cho biết, hiện tại giá và đầu ra của con tôm càng xanh rất ổn định. Khi thực hiện mô hình này, chúng ta tạo ra 2 sản phẩm sạch là tôm sạch và lúa sạch, phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho mô hình nuôi tôm xen lúa cũng giúp người dân an tâm hơn trong quá trình sản xuất; mở ra hướng canh tác thân thiện với môi trường, hướng đến xây dựng vùng sản xuất sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Phạm Văn Chót, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn để tập huấn về kỹ thuật, vận động bà con nhân rộng mô hình. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện các mô hình trình diễn cho bà con nhân rộng mô hình này.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình luân canh khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau. Mặt khác, mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, qua đó tạo ra con tôm sạch, giữ vững thương hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”, hướng đến nền sản xuất hàng hóa sạch thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thu Hà (T/H)