Văn hóa, du lịch

Tôn vinh giá trị văn hóa, ẩm thực của mì Quảng

Thứ sáu, 5/8/2022 | 11:12 GMT+7
Từ ngày 5 - 7/8, Ngày hội mì Quảng lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề “Tinh hoa mì Quảng - Phú Chiêm” được tổ chức tại làng Thanh Chiêm, thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ngày hội mì Quảng lần thứ nhất năm 2022 nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, ẩm thực của mì Quảng và góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển mì Quảng vươn xa hơn nữa.

Ngày hội là dịp để tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện, cơ hội cho làng nghề, địa phương trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống; để các nhà nghiên cứu, học giả tiếp tục đóng góp những công trình nghiên cứu, tác phẩm về mì Quảng, đặc biệt là các nghệ nhân, doanh nghiệp tiếp tục bảo tồn, quảng bá, giới thiệu tô mì rộng rãi trên toàn quốc và ra thế giới.

Đồng thời xây dựng một điểm đến, điểm du lịch văn hóa, làng nghề góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, kết nối giữa di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn.

Ngày hội mì Quảng lần thứ nhất năm 2022

Mì Quảng được Tổ chức Kỷ lục châu Á xếp vào 12 món ăn Việt Nam có giá trị ẩm thực cao, trở thành món ăn đặc sản của châu Á.

Mì Quảng, từ món ăn dân dã đã nâng cấp thăng hoa lên thành ẩm thực thượng hạng, phục vụ nhiều bữa tiệc quan trọng và các festival lớn, phục vụ APEC, các chính khách quốc tế đến với Việt Nam. Món mì Quảng còn vượt đại dương giao lưu với ẩm thực với các nước, bà con Việt kiều gốc Quảng Nam trên khắp thế giới.

Tại ngày hội, 20 nghệ nhân nấu mì Phú Chiêm (tuyển chọn từ hàng trăm hộ nấu mì Quảng ở Điện Phương và các xã lân cận) sẽ nấu mì Quảng tại chỗ để trình diễn và phục vụ du khách.

Ngày chấm giải và đêm chung kết xếp hạng sẽ diễn ra vào ngày 7/8. Thành phần ban giám khảo bao gồm thành viên Hiệp hội đầu bếp thế giới, chuyên gia ẩm thực đại diện Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam, đại diện Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng và một số nhà nghiên cứu mì Quảng.

Ngoài hội thi nấu mì Quảng, các cuộc thi liên quan đến mì Quảng cũng được tổ chức, bao gồm: cuộc thi “Ảnh nghệ thuật về mì Quảng”, cuộc thi “Sáng tác thơ lục bát về mì Quảng”.

Trong dịp này, ban tổ chức cuộc thi cũng ra mắt tập sách “Mì Quảng: tìm hiểu lịch sử và giá trị ẩm thực”; tổ chức chương trình giao lưu mì xứ Quảng và mì Nhật Bản; cùng một số hoạt động khác như trưng bày sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trò chơi dân gian, trải nghiệm canh nông…

Theo các chuyên gia, qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, mì Quảng nói chung và mì Quảng Phú Chiêm - cái nôi của mì Quảng nói riêng không chỉ là món ăn thường ngày mà còn thể hiện tích cách, lối sống con người xứ Quảng.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã miêu tả: “Mì Quảng ngon một cách mạnh mẽ, thô nhám, xồm xoàm, nhiều và no”. Còn GS. Trần Văn Khê, chuyên gia hàng đầu về âm nhạc truyền thống Việt Nam nhận xét khi ăn mì Quảng: “Về khẩu vị và nghệ thuật, mì Quảng thuộc loại “xuất sắc”, chúng ta sẽ thưởng thức món mì Quảng bằng cả ngũ quan (mắt nhìn nhiều màu sắc: trắng của mì, đỏ của ớt, cà chua, xanh tươi của rau rán; mũi ngửi được hương thơm: của thịt, của đậu phộng rang…; lưỡi nếm lắm mùi vị: ngọt, bùi, béo, cay, chua…; miệng nhai thấy mềm, cứng, dai, dẻo; tai nghe nhiều âm điệu vui: tiếng bánh tráng, bánh phồng tôm gãy dòn, tiếng vỡ sào sạo của đậu phộng)”.

Phương An (T/H)