Đời sống, xã hội

Triển khai bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm

Thứ tư, 18/12/2019 | 11:46 GMT+7
Theo Tổng cục thống kê, trong tháng 11/2019, đàn lợn cả nước giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60 - 80% so với tháng 9 và tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019). Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000 đồng/kg, tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019).

Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng năm 2019, sản lượng thịt lợn nhập khẩu đạt 96.000 tấn, đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, theo sau là Đức, Mỹ, Hà Lan. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường tiêu dùng trong dịp Tết.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính trước đó, do vậy, bình ổn giá thịt lợn đang được đặc biệt chú trọng. 

Dự báo nhu cầu thịt lợn trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 là khoảng 600.000 tấn

Tại cuộc họp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019 diễn ra mới đây và theo Thông báo kết luận số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Công Thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán 2020”.

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng. Cụ thể, Bộ chỉ đạo kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, trong đó tập trung, chú trọng vào kết nối mặt hàng thịt lợn tại các trung tâm lớn như TPHCM, TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Nam…

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...

Sở Công Thương TPHCM đã xây dựng kế hoạch dự trữ thịt lợn với tổng nguồn cung mặt hàng thịt lợn bình ổn thị trường là 4.091 tấn/tháng thường và 5.148 tấn/tháng Tết, chiếm 21% thị phần của toàn thành phố.

Theo báo cáo của Cục thống kê Hà Nội, sản lượng thịt lợn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tháng Tết còn thiếu khoảng 3.500 tấn thịt lợn hơi. Do đó, Bộ đã chỉ đạo tăng sản lượng lợn xuất chuồng trong thời gian tới, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thay thế khác như thịt bò, gia cầm, thủy sản. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, găm hàng, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.

Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt, để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ngọc Huyền