Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của dự án Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011. Chúng ta có các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ, các văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để thúc đẩy SDNL TK&HQ.
Chia sẻ về một số kết quả đạt được của Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ (Chương trình VNEEP), ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, tổng Chương trình VNEEP1 (giai đoạn 2006 - 2010) và VNEEP2 (giai đoạn 2010 - 2015) đã tiết kiệm năng lượng (TKNL) tương ứng 16,2 triệu tấn dầu quy đổi. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất lớn do đó trong Chương trình VNEEP3 (giai đoạn từ 2019 - 2030), Chính phủ đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, từ khi có Luật, thông tư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã tự nguyện, chủ động SDNL TK&HQ. Hiện nay, người dân đã có sự thay đổi về tư duy, SDNL TK&HQ dần đi vào nề nếp. Các địa phương đã quan tâm hơn tới công tác thực thi SDNL TK&HQ. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các địa phương, Bộ, ngành để kiện toàn công tác về SDNL TK&HQ, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/9/19/toa-dam-20240919100715477.jpg)
Quang cảnh tọa đàm
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ: Thời gian qua, Sở Công Thương Đà Nẵng đã phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ để xây dựng, triển khai kế hoạch hành động cũng như thực hiện công tác kiểm toán năng lượng.
Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia kiểm toán năng lượng và thực hiện các dịch vụ công về kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi đã tổ chức những hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức, khảo sát tư vấn cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm để có giải pháp kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và hướng đến sản xuất sạch hơn, ông Nguyễn Văn Trừ cho biết.
Theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, năm 2023, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Giải thưởng tiết kiệm năng lượng cấp thành phố, Sở Công Thương cũng tổ chức một chương trình riêng, qua đó nhận thấy các doanh nghiệp đã áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất sạch hơn. Kết quả, năm 2023, tổng lượng điện tiết kiệm của thành phố Đà Nẵng đạt 68,39 triệu kWh, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, EVN rất chú trọng tiết kiệm điện. EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để kịp thời tham mưu nhằm thực thi tốt Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được EVN xem là giải pháp quan trọng nhất vì đây là giải pháp phù hợp nhất, đặc biệt là truyền thông về chính sách, quy định của Nhà nước. Hiện EVN không chỉ truyền thông về cơ chế chính sách mà còn truyền thông về giải pháp sử dụng điện an toàn và hiệu quả. Toàn bộ tài liệu truyền thông được số hóa và đăng tải trên trang thông tin của EVN cùng các đơn vị trực thuộc, các kênh chăm sóc khách hàng...
Ông Trần Viết Nguyên cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước tiết kiệm được 2,6 tỷ kWh điện, tương ứng 2,38% điện thương phẩm so với cùng kỳ, cao hơn mức tối thiểu so với mức Chính phủ giao. Kết quả này có sự tham gia tích cực của báo chí truyền thông, giúp ngời dân hiểu rõ hơn, thực thi tốt hơn các giải pháp tiết kiệm năng lượng.