UN hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải và phát triển kinh tế tuần hoàn

Thứ tư, 10/8/2022 | 12:18 GMT+7
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã tiếp và làm việc với ông Selwin Hart, Trợ lý Tổng Thư ký, cố vấn đặc biệt về hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc (UN).

Tại buổi làm việc, ông Selwin Hart cho biết, các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vừa qua của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù, nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm và chủ động tham gia các cam kết tiến bộ cùng cộng đồng quốc tế. Những cam kết tại COP26 của Việt Nam được quốc tế và Liên Hợp Quốc ủng hộ và đánh giá cao.

Ông Selwin Hart cũng chúc mừng Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với nhiều mục tiêu quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là hành động quan trọng của Việt Nam trong quá trình triển khai cam kết tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế…

Trong thời gian tới, UN sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Bộ TN&MT trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của COP26, giảm phát thải và phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam…

Ông Selwin Hart trao đổi với Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị UN tiếp tục thúc đẩy các nước phát triển và các thể chế tài chính quốc tế tham gia hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ để triển khai các cam kết tại COP26, hỗ trợ vận động và thúc đẩy các thành viên Nhóm G7 và các đối tác phát triển để sớm đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, UN tiếp tục hỗ trợ tăng cường nhận thức, năng lực thể chế và khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; tham vấn với các đối tác quốc tế và các bên có liên quan đánh giá mức độ phát thải và cơ hội giảm phát thải khí metan trong các ngành, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch giảm 30% khí metan.

Bên cạnh đó, cùng hỗ trợ, hợp tác phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu: hỗ trợ nguồn lực để bảo vệ sinh cảnh ven biển; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học…

Mỹ Dung (T/H)