Nông nghiệp sạch

Ứng dụng công nghệ trong trồng nấm tại Thái Bình

Thứ sáu, 2/12/2022 | 11:14 GMT+7
Tỉnh Thái Bình đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nấm nhằm khuyến khích phát triển nghề trồng nấm hiệu quả, bền vững.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình Trần Minh Hưng, từ tháng 7/2022 đến nay, đơn vị đã tiến hành xây dựng 3 mô hình sản xuất nấm sò ứng dụng hệ thống tưới nước thông minh tại xã Đông Cơ, Đông Trung (huyện Tiền Hải) và xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư). Quy mô mỗi điểm thực hiện mô hình là 28 tấn nguyên liệu, diện tích nhà xưởng sản xuất nấm 300m2.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết, việc trồng nấm ứng dụng công nghệ cao khác hoàn toàn với phương pháp truyền thống. Cụ thể, trong sản xuất nấm thế hệ mới, Trung tâm ứng dụng hệ thống tưới nước được kết nối với điện thoại thông minh và cài đặt thời gian tưới, lượng nước tưới, bảo đảm được độ ẩm không khí và nhiệt độ thích hợp nhất cho nấm sinh trưởng và phát triển.

Trong quá trình hoạt động, bộ cảm biến công nghệ cao sẽ liên tục lắng nghe điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, theo thời gian thực và gửi dữ liệu về bộ xử lý trung tâm để thực hiện phân tích và tính toán thông tin, từ đó biết được thời điểm cần tưới và lượng nước cần tưới.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm

Qua 5 tháng triển khai sử dụng hệ thống tưới nước thông minh kết hợp hài hòa giữa nhiệt độ, ẩm độ được điều chỉnh phù hợp, thì nhiệt độ trong nhà sản xuất luôn duy trì dưới 32 độ C dù ở những ngày nắng nóng nhất.

Nếu áp dụng phương pháp truyền thống, người sản xuất nấm phải bơm nước tưới 3 lần/ngày (mỗi lần 2 giờ) cho 15 tấn nguyên liệu chưa kể vận hành tưới nước trên mái. Trong khi đó, sử dụng hệ thống tưới nước thông minh chỉ cần nửa phút đến 1 phút cho 1 lần tưới, ẩm độ được đồng đều và lưu ẩm độ trong nhà sản xuất được lâu hơn.

Về hiệu quả kinh tế, sử dụng hệ thống tưới nước thông minh tiết kiệm được 1 công lao động/tấn nguyên liệu và năng suất tăng 10%. Lợi nhuận thu được so với sản xuất bình thường là hơn 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao đã giúp người nông dân nắm được các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nấm, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa giảm sức lao động cho nông dân vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đầu tư hỗ trợ hệ thống tưới nước thông minh cho các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn để phát triển mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng cũng như giá trị, đưa nghề nấm của tỉnh Thái Bình trở thành nghề đứng thứ ba trong sản xuất nông nghiệp.

Gia Linh (T/H)