Điện mặt trời mái nhà

Vận hành lưới điện khi tích hợp quy mô lớn các hệ thống ĐMTMN

Thứ tư, 6/1/2021 | 09:22 GMT+7
Mới đây, Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) - Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo về “Thuận lợi và khó khăn trong vận hành lưới điện khi tích hợp điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” tại TP Đà Nẵng.

Đây là một hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ CHLB Đức tài trợ.

Để nâng cao tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong hệ thống điện Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã được khai thác tối đa, trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã chú trọng nghiên cứu, ban hành những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển những nguồn NLTT nói chung và điện mặt trời (ĐMT) nói riêng. Nhờ đó, chỉ trong vài năm trở lại đây, hệ thống điện Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của nguồn NLTT, đặc biệt là ĐMT. Tính đến hết tháng 11/2020, đã có khoảng 8900 MWAC ĐMT vận hành trong hệ thống điện quốc gia, trong đó bao gồm khoảng 2600MWAC điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang phát biểu khai mạc hội thảo

Việc phát triển nhanh nguồn ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng đã góp phần bổ sung một lượng điện năng đáng kể, kịp thời nhằm hỗ trợ hệ thống điện trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống điện quốc gia như: vấn đề an toàn trong lắp đặt và vận hành nguồn ĐMTMN; hạ tầng lưới điện ở nhiều khu vực chưa đáp ứng được việc tiếp nhận lượng điện năng mà các nguồn ĐMTMN phát lên lưới cùng một lúc; thông tin về điều độ, vận hành thời gian thực của các nguồn ĐMTMN còn chưa được thu thập và quản lý đồng bộ, tổng thể; tính bất định của nguồn ĐMT đòi hỏi việc vận hành lưới điện cần có các công cụ tốt hơn, thông tin chính xác và một phương thức mới trong vận hành, điều độ hệ thống điện.

Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ CHLB Đức tài trợ, việc nghiên cứu, phân tích những thách thức về mặt kỹ thuật cũng như thủ tục hành chính khi tích hợp ĐMTMN vào hệ thống điện Việt Nam đang được các chuyên gia tư vấn của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện cùng các bên liên quan. Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã trình bày, giới thiệu về kinh nghiệm quốc tế trong quá trình phát triển ĐMTMN bao gồm: những thách thức về mặt kỹ thuật đối với các đơn vị phân phối điện; tích hợp hệ thống ĐMTMN vào lưới điện; thách thức về mặt thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận hành lưới điện phân phối.

ĐMTMN có sự phát triển bùng nổ trong thời gian qua

Việc phát triển ĐMTMN ở Việt Nam hiện nay cũng đã, đang và sẽ gây ra một số khó khăn thách thức đối với đơn vị vận hành lưới điện phân phối và thậm chí là các các cấp điều độ cao hơn như điều độ miền, điều độ quốc gia.

Cụ thể, về pháp lý, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ đầu tư, khách hàng trong việc cung cấp, chia sẻ các số liệu về vận hành, dự báo công suất - sản lượng phát của nguồn ĐMTMN cho các đơn vị quản lý vận hành và điều độ lưới điện. Về quy mô công suất và yêu cầu về tỷ lệ tự dùng và tỷ lệ phát lên lưới chưa có yêu cầu cụ thể trong bối cảnh rất nhiều hệ thống ĐMTMN có quy mô công suất từ 1MWp đến 1MWAC. Chưa có công cụ dự báo công suất phát của nguồn ĐMT gây khó khăn trong công tác lập kế hoạch, vận hành thời gian thực và tính toán, huy động kịp thời các nguồn công suất dự phòng khác để bù đắp lại sự biến thiên liên tục quy mô lớn của các nguồn NLTT, đặc biệt là ĐMT. Việc thay đổi trào lưu công suất liên tục trên các ngăn lộ trung áp có đấu nối nhiều nguồn ĐMTMN ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng; gây ra hiện tượng tách đảo trong các trường hợp sự cố hệ thống điện hoặc bảo vệ không chọn lọc gây quá tải lưới điện trung/hạ áp và kể cả lưới điện cao áp đối với các khu vực có nhiều tiềm năng năng lượng mặt trời như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk…

Kết thúc hội thảo, các thành viên tham gia đã đưa ra một số giải pháp có thể xem xét để vượt qua các thách thức và thúc đẩy việc phát triển ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng tại Việt Nam trong thời gian tới. Cần rà soát, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách mang tính bền vững để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ĐMTMN. Đồng thời, rà soát và sớm ban hành các tiêu chuẩn về ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng để có cơ sở pháp lý thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng của hệ thống ĐMT tại Việt Nam. Rà soát, đánh giá quy định hiện hành về trách nhiệm cung cấp và chia sẽ các số liệu vận hành của ĐMT. Các đơn vị quản lý, vận hành và điều độ hệ thống điện cần phát triển những công cụ dự báo và quản lý vận hành nguồn ĐMT nói chung và ĐMTMN nói riêng một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình mới (ví dụ như việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp để các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống điện cũng như khách hàng đầu tư ĐMTMN có thể theo dõi, khai thác, cập nhật đầy đủ thông tin đối với việc phát triển và vận hành ĐMTMN hiện nay).

Với sự phát triển bùng nổ của ĐMT và ĐMTMN tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như dự kiến sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới thì việc nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các quy định kỹ thuật về quản lý, vận hành và điều độ hệ thống điện khi tích hợp ĐMTMN càng trở nên thiết thực và cấp bách. Ngoài ra, các đơn vị điện lực cũng cần chủ động hơn trong việc áp dụng ứng dụng của công nghệ lưới điện thông minh và công nghệ mới để kiểm soát nguồn ĐMTMN cũng như tiếp tục nâng cao tỷ lệ của nguồn năng lượng sạch này trong hệ thống điện Việt Nam.

Nhã Quyên