Xây dựng cống ngăn mặn lớn thứ hai ở miền Tây

Thứ năm, 17/11/2022 | 08:41 GMT+7
Tỉnh Tiền Giang mới khởi công cống ngăn mặn giúp người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cống ngăn mặn được khởi công ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành cách sông Tiền 420m, thuộc địa bàn hai xã Song Thuận, Bình Đức (Châu Thành). Dự án có kinh phí 460 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ hai ở miền Tây, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) kinh phí 3.300 tỷ đồng, khánh thành hồi đầu tháng 3.

Phối cảnh cống ngăn mặn ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành

Liên danh nhà thầu công trình gồm: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang, Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276, Công ty CP Máy và Thiết bị thuỷ lực, Công ty CP Cơ khí và Thiết bị An Hưng. 

Công trình có hạng mục chính là cống rộng 40m bằng bê tông, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực. Phần âu thuyền có chiều rộng thông nước 12m, cao trình 5,5m. Một số hạng mục phụ bao gồm: nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2024.

Cống đầu kênh Nguyễn Tấn Thành khi hoàn thành sẽ giúp ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường phục vụ nước ngọt cho sinh hoạt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000ha đất sản xuất của các tỉnh Tiền Giang, Long An. Ngoài ra, công trình còn giúp tỉnh Tiền Giang không còn phải xây đập tạm tốn kém, gây ô nhiễm nguồn nước bên trong. Từ đó ngăn được tình trạng xâm nhập mặn, nâng cao công tác trữ nguồn nước ngọt, chống triều cường, đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.

Phương An