Ứng dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội

Thứ ba, 16/11/2021 | 18:42 GMT+7
Ứng dụng công nghệ số, nền tảng số sẽ góp phần giúp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày 16/11, hội thảo “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Hà Nội. Đây là 1 trong 10 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba (Industry Summit 4.0) với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, cùng một số bộ, ngành có liên quan phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% GDP vào năm 2030. Phấn đấu đưa Việt Nam vào Top 30 nước dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng số vào năm 2025 và là 1 trong 2 nước dẫn đầu ASEAN về trung tâm dữ liệu với trên 250 triệu kết nối internet vạn vật (IoT).

Để đạt được mục tiêu trên, đại diện Bộ TT&TT cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ sẽ thực hiện trong tương lai. Bao gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với sự phát triển của công nghệ mới; phủ sóng tích hợp đến các thôn bản, vùng khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng, thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh; xây dựng chính sách phát triển IoT, hạ tầng định danh số, hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng thuật toán đám mây, hạ tầng dữ liệu lớn, hạ tầng AI và dữ liệu quốc tế…

Các chuyên gia trao đổi về phát triển hạ tầng số ở Việt Nam tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Shigeyuki Sakaki, chuyên gia cấp cao Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ, hiện lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động giao thông vận tải chiếm 20% tổng lượng khí thải của Việt Nam. Dự tính vào năm 2030 lượng khí thải này sẽ tăng lên 90 triệu tấn nếu vẫn duy trì như hiện nay. Nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu giảm phát thải như đã cam kết tại các diễn đàn quốc tế mà gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) thì phải hướng đến giao thông thông minh.

Giao thông thông minh đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… Đây là một trong những khía cạnh lớn của hạ tầng số, kỹ thuật số trong công cuộc phát triển của các quốc gia này. Theo đó, trong định hướng phát triển hạ tầng số ở Việt Nam, chuyên gia WB đưa ra một số lời khuyên như: cải thiện các loại giao thông công cộng, hạn chế xe máy vì xe máy khó tích hợp công nghệ thông minh; xây dựng chiến lược giao thông thông minh; tăng cường công tác phối hợp hợp tác với doanh nghiệp tư nhân.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries cũng đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch và trong dài hạn. Theo ông, sau đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19, 73% người dân ở Việt Nam đã tiếp cận với thương mại điện tử. Đây là con số đáng kể về độ mở rộng của công nghệ thông tin và hạ tầng số. Tuy nhiên, chuyên giá của ADB cũng đánh giá rằng sự phát triển này là “nhanh nhưng chưa ổn định”. Do đó, Việt Nam cần cải thiện kết nối internet băng thông rộng, ổn định mạng lưới viễn thông, dịch vụ di động để nâng cao chất lượng, thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ số hóa giữa các đối tượng dân cư, đặc biệt là phụ nữ, người dân ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số.

Ông Andrew Jeffries nhận định, với Việt Nam, phát triển hạ tầng số, kỹ thuật số sẽ tạo cơ hội mở rộng phát triển và tạo sức hút cho doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. ADB cam kết sẽ hợp tác cung cấp chuyên môn, chiến lược, kinh nghiệm cho Chính phủ, Bộ TT&TT Việt Nam về số hóa trong nhiều lĩnh vực.

Cùng với các chuyên gia nước ngoài, đại diện các tập đoàn viễn thông hàng đầu trong nước về hạ tầng số, công nghệ số cũng tham gia đóng góp nhiều quan điểm về phát triển hạ tầng số ở Việt Nam. Trong đó có xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đảm bảo an toàn an ninh mạng cho hạ tầng số; chuyển đổi ưu việt và vai trò của điện toán đám mây…

Thanh Bảo