Các trung tâm điều hành thông minh sẽ thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

Thứ năm, 11/11/2021 | 09:43 GMT+7
Đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Các trung tâm điều hành thông minh sẽ thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ngày 10/11, hội thảo chuyên đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số Bộ, ngành có liên quan chủ trì chuyên môn phối hợp tổ chức.

Khai mạc hội thảo, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn. Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Việt Nam hiện có 870 đô thị với 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I và 32 đô thị loại III… Đô thị hóa ở Việt Nam chỉ chiếm 40% dân số và hơn 7,4% diện tích đất tự nhiên. Tỷ lệ này vẫn còn khá thấp, chỉ đứng thứ 7 khu vực ASEAN. Trong khi một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, tỷ lệ này lên đến 60 - 70%.

Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo

Trong bối cảnh đó, hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ là dịp để các chuyên gia, nhà lãnh đạo trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận về tình hình phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đô thị thông minh tại một số quốc gia khác.

Theo TS. Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong vận hành phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, tốc độ phát triển kỹ thuật số diễn ra rất nhanh chóng, cơ bản đã phủ sóng 4G, 5G, và được xếp hạng Top 10 về phần mềm, chỉ số an toàn thông tin, các ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực. Đây là nền tảng rất tốt để phát triển một đô thị thông minh tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương xuyên suốt hướng đến phát triển đô thị thông minh và từ năm 2018 một số địa phương đã tiến hành thí điểm một số giải pháp để phát triển đô thị thông minh.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhận thức, lộ trình, cách thức cũng như khái niệm nội hàm về đô thị thông minh còn chưa phổ cập đúng, đầy đủ, thống nhất cho tất cả mọi người. Việc số hóa các cơ sở dữ liệu ở Việt Nam cũng chưa được nhiều. Các bất cập ở đô thị dưới chuẩn còn tồn tại nhiều, trong khi để trở thành đô thị thông minh thì điều kiền tiên quyết phải là đô thị đạt chuẩn.

Từ đó, ông Lê Quang Hùng đưa ra một số định hướng chiến lược như: cần có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quy chuẩn đô thị thông minh; xây dựng nền tảng pháp lý cho lộ trình phát triển; số hóa tất cả số liệu về đô thị. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, thí điểm các khu vực đô thị thông minh. Đến năm 2030 dự kiến khoảng 30% số đô thị được cơ bản áp dụng đô thị thông minh và tầm nhìn đến năm 2040 các đô thị loại II trở lên sẽ cơ bản đạt được các tiêu chí về đô thị thông minh.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Lê Quang Hùng, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Chiến lược sản phẩm Tập đoàn VNPT cho biết, trong quá trình xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam, điều kiện cần là phải có sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp; điều kiện đủ là phải đảm bảo sự liên tục của dòng chảy dữ liệu. Các trung tâm điều hành thông minh sẽ thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Michael Koh, thành viên Ban giám đốc Trung tâm các thành phố đáng sống Singapore và ông Baik Nam Cheol và Park Jea Huyn, Viện Kỹ thuật và Công nghệ xây dựng Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của nền tảng công nghệ thông minh, công nghệ số trong phát triển đô thị thông minh. Từ đó, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình vận hành đô thị thông minh tại quốc gia của mình.

Mặt khác, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, muốn xây dựng thành phố thông minh thành công cần liên kết khu vực, trong đó trọng tâm là cộng đồng và lấy động lực chiến lược cùng các sáng kiến làm nền tảng.

Để làm được những điều trên, trước hết tư duy chiến lược phải gắn với  tốc độ phát triển công nghệ nhanh và khung thời gian cho các cấp độ chiến lược. Chiến lược thành phố thông minh là ý tưởng mới nên phải vừa thực hiện vừa rút ra bài học cũng như kinh nghiệm từ các thành phố khác, ông Nguyễn Văn Thành nhận định.

Thanh Bảo