25 năm: TKV khai thác được 700 triệu tấn than

Thứ tư, 16/10/2019 | 10:12 GMT+7
Sau 25 năm phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn than; tổng doanh thu than từ 1,3 nghìn tỷ đồng năm 1994 tăng lên 62,26 nghìn tỷ đồng năm 2018.

Tại Hà Nội, Tập đoàn TKV vừa tổ chức lễ gặp mặt và tuyên dương các điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (10/10/1994 - 10/10/2019).

Trong bài diễn văn ôn lại quá trình xây dựng và phát triển, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh, trong suốt chặng đường 25 năm qua, công nhân, cán bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, lao động sáng tạo, tận tâm, tận lực trong sản xuất kinh doanh, đạt được những kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực kinh doanh chủ lực là công nghiệp than, TKV đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành than một cách bền vững để đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội. Sau 25 năm, TKV khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn than; tổng doanh thu than từ 1,3 nghìn tỷ đồng năm 1994 tăng lên 62,26 nghìn tỷ đồng năm 2018, gấp 47,6 lần so với thời điểm Than Việt Nam ra đời. Năng suất lao động tính theo than nguyên khai năm 2018 đạt 572 tấn/người/năm, tăng 3,45 lần so với năm 1995.

TKV đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất

Không chỉ tập trung khai thác, tăng sản lượng, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Với các mỏ hầm lò, TKV tăng cường sử dụng công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than cùng các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 và - 500 mét. Tổng sản lượng than khai thác bằng cơ giới hoá toàn Tập đoàn từ năm 2002 đến hết 2017 đạt 12,75 triệu tấn.

Với các mỏ lộ thiên, Tập đoàn đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn, khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải tại Mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành và cải thiện bờ mỏ. Cùng với đó, Tập đoàn đẩy mạnh hiện đại hóa khâu sàng tuyển, dịch vụ cung ứng than...

Đồng thời, TKV chủ động ứng dụng tự động hoá, tin học hoá vào quá trình sản xuất kinh doanh và công tác quản lý điều hành. Từ Tập đoàn đến các đơn vị đều quan tâm đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.

Hiện tại, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất như: phần mềm hoá đơn điện tử; phần mềm “Quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò”, vòng nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các công ty than khai thác lộ thiên, “hệ thống giám sát lưu chuyển than”…

Qua đó, TKV đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Không chỉ tập trung phát triển lĩnh vực khai thác chính là than, TKV cũng đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực liên quan. Cụ thể, trong lĩnh vực khác thác khoáng sản, TKV phát triển theo hướng tăng cường chế biến sâu, tạo ra sức đột phá mạnh mẽ, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của Tập đoàn. TKV đầu tư đồng bộ các tổ hợp khai thác đến chế biến kim loại bao gồm: alumina, đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và những kim loại khác.

Trên nền của ngành công nghiệp than, TKV phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện; vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng và những lĩnh vực khác liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Hiện tại, TKV đầu tư 7 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ hàng năm của TKV từ 9,5 -10 tỷ kWh với doanh thu 12,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Nhiều tập thể, cá nhân của TKV vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Chính phủ…

Đặc biệt, giai đoạn 5 năm gần đây (2015 - 2019), khối khoáng sản, điện lực, hoá chất của Tập đoàn tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Cụ thể, doanh thu của khối đã đạt xấp xỉ 30% tổng doanh thu của Tập đoàn với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm; lợi nhuận chiếm tỷ trọng 34,4% toàn Tập đoàn.

“Từ một tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than, TKV đã trở thành tập đoàn kinh tế mạnh với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện lực và vật liệu nổ công nghiệp, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ”, ông Lê Minh Chuẩn khẳng định.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh biểu dương và chúc mừng những thành tích mà cán bộ công nhân viên của Tập đoàn TKV đạt được trong 25 năm qua. Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đề nghị Tập đoàn TKV cần chú trọng tập trung vào một số nhiệm vụ chính: triển khai có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2019; tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020 để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất, nâng cao năng suất lao động; chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất và các dự án mỏ hầm lò mới; làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường mối quan hệ với các địa phương, với đối tác và bạn hàng… Tập đoàn TKV phải tiếp tục xung kích, đi đầu, đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hàng năm, TKV đóng khoảng 1/4 GRDP và hơn 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh; tạo ra việc làm thường xuyên cho gần 100.000 lao động. Trong thời gian tới, ông Ký đề nghị TKV cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; đồng thời cùng với tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; tập trung đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, tăng cường chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, cải thiện điều kiện làm việc; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân và người lao động, xây dựng Tập đoàn TKV ngày càng vững mạnh toàn diện, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, TKV cần phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn nữa với chính quyền địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh...

Tại buổi lễ, nhiều tập thể, cá nhân của TKV được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Chính phủ…

Đình Tú