Quả có múi họ cam quýt
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/21/cam-quyt-20241021111135603.jpg)
Các loại trái cây thuộc họ cam quýt như cam, chanh, bưởi... là lựa chọn đầu tiên của nhiều người để bổ sung vitamin C do có hương vị thơm ngon, dễ ăn, dễ uống.
Một số nghiên cứu chứng minh rằng, cam, chanh, quýt, bưởi... rất giàu vitamin C và những chất chống oxy hóa. Bên cạnh việc hỗ trợ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh cảm cúm và những bệnh thông thường do thời tiết gây ra, các loại quả này còn có chức năng giải độc, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tác hại của những gốc tự do, từ đó làm chậm quá trình lão hóa, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Dưa hấu
Theo y học cổ truyền, vỏ dưa hấu vị ngọt, tính hơi hàn nên có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, lợi tiểu, dùng trong trường hợp huyết áp cao, tiểu buốt, cảm sốt, phiền khát, viêm thận...
Dưa hấu chứa nhiều nước, protid, gluxit, canxi, ngoài ra còn có sắt, phốt pho, caroten, các vitamin B1, B2, PP, C... giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ cơ thể phát triển khỏe mạnh.
Lê
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/21/qua-le-20241021111135353.jpg)
Lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm, nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng... bởi trong quả lê chứa protein, lipid, cenlulose, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường gluco, axit acetic... Việc ăn lê thường xuyên cũng có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch (dẫn tới váng đầu hoa mắt, ù tai), lao phổi, viêm phế quản cấp tính.
Tuy nhiên, quả lê có tính hàn nên người bị đau bụng, đi tiêu lỏng không nên dùng. Không ăn lê bị dập nát để tránh mắc bệnh đường ruột.
Dứa
Dứa là loại trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C và các vitamin A, K... Đây là nguồn dưỡng chất tuyệt vời để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm.
Dứa còn rất giàu chất xơ, tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón, giảm đầy hơi trướng bụng.
Khế
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/21/khe-20241021111135228.jpeg)
Trong quả khế có đường, hàm lượng oxalat axit 1% và nhiều yếu tố vi lượng khác (kali, canxi, sắt, phốt pho, vitamin A, C, B1, B2, P). Ngoài ra, khế còn có các hợp chất thực vật lành mạnh như axit gallic, quercetin và epicatechin có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ.
Trong y học cổ truyền, quả khế có vị chua ngọt, tính sáp bình, không độc. Để chữa sổ mũi, đau họng nên dùng 90 - 120g khế tươi, ép lấy nước uống.