Văn hóa, du lịch

Bàn giải pháp phát triển văn hóa

Thứ bảy, 17/12/2022 | 23:42 GMT+7
Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Hội thảo giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Hệ thống di sản văn hóa phong phú là tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tài nguyên du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, thành phố sáng tạo đến bạn bè quốc tế.

Trong lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, từ đó phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển biến tích cực. Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một trong những thành phố năng động nhất trên thế giới.

Từ nhận thức tới hành động, phát huy tiềm năng thế mạnh hướng đến mục tiêu trở thành Thủ đô sáng tạo trong tương lai, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện 6 quan điểm: phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”; phải đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô; đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc vừa bền vững, hiện đại.

Với các quan điểm trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng về quản trị tư, đặc biệt là thiết chế văn hóa; cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để việc điều tiết quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, tránh cùng một lúc rất nhiều địa phương tổ chức lễ hội cùng nhau. Mặt khác, Hà Nội cần có chính sách để phát triển các loại quỹ về văn hóa của cả công và tư; sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.

Lam An (T/H)