Bất động sản

Bản tin bất động sản số 31/2022

Thứ hai, 29/8/2022 | 07:08 GMT+7
Để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân và tháo gỡ một số vướng mắc, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014.

Sửa Luật Nhà ở để gỡ vướng, thu hút đầu tư nhà cho công nhân

Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; cho vay ưu đãi lãi suất thấp. Đến nay cả nước đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Trong đó, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp hoàn thành đầu tư là 122 dự án, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 340.000 lao động.

Theo Bộ Xây dựng, để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân và tháo gỡ một số vướng mắc, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đến 40 triệu đồng xây nhà mới

Từ ngày 15/8/2022, chính sách mới liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được chính thức áp dụng theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ gia đình nghèo, cận nghèo xây nhà mới

Cụ thể, hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ xây mới/sửa chữa nhà ở ký cam kết và đăng ký với UBND cấp xã, đề xuất chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa. Định mức trong trường hợp này là 40 triệu đồng/hộ/nhà xây mới; 20 triệu đồng/hộ/sửa chữa nhà từ nguồn ngân sách Trung ương.

Tiêu chí để hộ nghèo được hỗ trợ cũng được nêu chi tiết tại Điều 3 Thông tư 01/2022/TT-BXD. Cụ thể: chưa có nhà/có nhà nhưng nhà ở không bền chắc khi có ít nhất hai trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái làm bằng vật liệu không bền chắc; diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2; chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chính sách khác.

Về thứ tự hộ nghèo được ưu tiên hỗ trợ nhà ở, Điều 5 Thông tư 01/2022/TT-BXD quy định như sau: hộ nghèo dân tộc thiểu số - hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng - hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội - hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) - hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai - các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.

Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự: hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn - hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở, trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước) - hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.

Hà Nội sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh bất động sản

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có thông báo kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Luật Nhà ở 2014 tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phần đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm các Sở, ngành: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Cục Thuế thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện có dự án nhà ở thuộc đối tượng kiểm tra.

Ảnh minh họa

Đoàn kiểm tra sẽ rà soát các dự án nhà ở đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản về nội dung: dự án có thế chấp ngân hàng hay không; tiến độ bàn giao nhà cho người mua nhà và việc bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà của chủ đầu tư cho khách hàng, chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy định về bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố; kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.

Thông qua việc kiểm tra sẽ chấn chỉnh, hướng dẫn các chủ đầu tư khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật và kinh doanh bất động sản.

Khánh Nam (t/h)