Bất động sản

Bản tin bất động sản số 40/2022

Thứ hai, 17/10/2022 | 08:30 GMT+7
Bộ Xây dựng công bố 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn ưu đãi.

Thêm 9 dự án nhà ở xã hội được vay vốn hỗ trợ lãi suất 2%

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổng hợp các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (đợt 3) được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư nhu cầu vay vốn theo đề xuất khoảng hơn 1.400 tỷ đồng.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa với 6 dự án được đề xuất đều tại khu vực TP Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Thanh Hóa đề xuất 2 dự án nhà ở dành cho công nhân gồm: nhà ở công nhân khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, với quy mô 500 căn hộ có mức đầu tư 450 tỷ đồng và đề xuất được vay 200 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu vực phía Đông - khu công nghiệp Lễ Môn với gần 1.400 căn hộ, có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng và nhu cầu vay 400 tỷ đồng.

Có thêm 9 dự án nhà ở xã hội được vay vốn hỗ trợ lãi suất 2%

Tại Lạng Sơn, dự án nhà ở xã hội số 2 xây dựng tại TP Lạng Sơn với 796 căn, có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn 100 tỷ đồng.

Phú Thọ với dự án khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp Thụy Vân có 671 căn hộ, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng và dự kiến vay 30 tỷ đồng.

Đắk Lắk đề xuất vay 10 tỷ đồng để thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khối 6, phường Khánh Xuân, với 67 căn hộ, có tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng.

Trước đó, qua xét duyệt đợt 1, đợt 2 của Bộ Xây dựng, đã có 15 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ được UBND cấp tỉnh đề xuất gần 6.100 tỷ đồng, gồm Lào Cai, Hòa Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TPHCM, Bình Định.

Tính đến nay, trên cả nước đã có 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ được Bộ Xây dựng xác định đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp và thông báo đến các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đảm bảo đúng quy định.

Hướng dẫn thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư số 61/2022/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thông tư 61 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2022. Theo thông tư này, nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm:

Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất.

Chi điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Đất đai năm 2013 gồm: phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai. Trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại. Kiểm kê số lượng nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…

Ảnh minh họa

Chi lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ khâu tính toán các chỉ tiêu, xác định mức bồi thường, hỗ trợ đến khâu phê duyệt phương án, thông báo công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chi tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Hà Nội

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn số 3195/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung: tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thực hiện cung cấp dịch vụ công về đất đai. Cải cách thủ tục hành chính công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất.

Chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp giấy chứng nhận, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm trường hợp tồn đọng; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận... Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, rà soát những dự án có sử dụng đất không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; dự án chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở.

Các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích. Thanh tra, kiểm tra vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; công tác xác định giá đất; công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân. Rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch đất đai.

Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổng hợp đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

Hạ Quyên