Bản tin môi trường số 14/2023

Thứ hai, 10/4/2023 | 11:02 GMT+7
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức cuộc họp rà soát tiến độ chuẩn bị các dự án phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).

Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Được biết, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 16 đề xuất dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp rà soát tiến độ chuẩn bị các dự án Mekong DPO

Tại cuộc họp, đại diện UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đều thống nhất rằng, cả 16 dự án đều cấp thiết và ưu tiên như nhau; mong muốn được triển khai nhanh và đồng bộ. Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển cần được đầu tư đồng bộ, khép kín, tối thiểu phải là đường cấp III đồng bằng, tránh tình trạng đoạn qua tỉnh này thì cấp III, đoạn qua tỉnh khác thì cấp IV…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, về tiến độ của các dự án Mekong DPO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến trong tháng 6/2023 sẽ phê duyệt đề xuất; đến tháng 12/2023 sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với các dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 6/2024. Còn các dự án của các tỉnh/thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 9/2024.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương cần kết thúc việc điều chỉnh, rà soát, thay đổi tuyến, cũng như thay đổi tổng mức đầu tư dự án... trên cơ sở bảo đảm đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, phải cân đối, báo cáo cấp thẩm quyền địa phương, HĐND về khả năng đối ứng của địa phương đối với các dự án DPO.

Phổ biến Quy chuẩn quốc gia về chất lượng môi trường, quản lý chất lượng nước

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vừa tổ chức hội thảo Phổ biến nội dung 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và nội dung hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe phổ biến nội dung của 5 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh và quy trình lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Các nội dung đều tiếp cận theo những quy định của các quốc gia tiên tiến trong khu vực châu Á và trên thế giới; đồng thời có một số điểm mới như: tiếp tục cập nhật và tham khảo các quy định của Tổ chức Y tế thế giới để đưa ra các ngưỡng quy định các chất ô nhiễm trong không khí xung quanh phù hợp với thực tế Việt Nam; phân loại các nhóm thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người; nhóm thông số nhằm mục đích bảo vệ đời sống thủy sinh để phân loại chất lượng nước mặt, đánh giá chất lượng nước dưới đất, nước biển; phân loại các loại đất theo mục đích sử dụng thành 3 nhóm và quy định ngưỡng thông số theo các nhóm này.

Hội thảo Phổ biến nội dung 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và nội dung hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước tại Việt Nam

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Một hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật môi trường phù hợp sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, từ đó bảo vệ môi trường sống trong lành cho mọi người dân.

Trong khuôn khổ hội thảo, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường còn hướng dẫn các kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nước mặt. Hoạt động có mục tiêu cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT; có kế thừa và hoàn thiện các hướng dẫn đã được triển khai thực hiện giai đoạn trước, cập nhật, bổ sung các quy định mới và có liên quan chặt chẽ với quy định của QCVN 08:2023/BTNMT mới được ban hành.

Khảo sát việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 20/KH-BÐT về việc khảo sát công tác thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn 12 quận của thành phố.

Theo kế hoạch, đợt khảo sát sẽ được thực hiện trong tháng 4/2023, nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch.

Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn Hà Nội

Kế hoạch nêu rõ, quá trình khảo sát phải đánh giá khách quan, sát với thực tế, theo quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của thành phố; phải báo cáo kết quả khảo sát với Thường trực HĐND và HĐND thành phố theo quy định.

Về chương trình khảo sát, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội sẽ khảo sát tình hình triển khai thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định liên quan; tình hình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của HĐND thành phố về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1); tình hình, kết quả thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đến hết tháng 12/2022; việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời của các cơ sở gây ô nhiễm; tình hình, kết quả thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch đến hết tháng 12/2022; việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời của các cơ sở gây ô nhiễm; công tác phối hợp giữa UBND quận với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan trong triển khai tổ chức thực hiện di dời các cơ sở sản xuất theo quy định.

Ngọc Huyền