Bản tin môi trường số 17/2023

Thứ hai, 8/5/2023 | 08:50 GMT+7
Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành công văn về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023

Mục tiêu của Tuần lễ là tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm trong năm Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai.

Hành động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023

Về nội dung thực hiện, đối với Trung ương, Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện một số hoạt động như: tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai tại tỉnh Quảng Nam; tập huấn cho đội ngũ gáo viên, cán bộ Đoàn, Đội hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các hoạt động ngoại khóa trường học tại Quảng Nam; cuộc thi sáng tác tranh hưởng ứng năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai 2023 cho trẻ em; triển lãm tranh với chủ đề "Thiên tai trong mắt em"; giới thiệu và hướng dẫn sử dụng app "Phòng chống thiên tai Việt Nam" trên nền tảng ứng dụng Zalo; tuyên truyền, phổ biến bộ tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai trong trường học; Hội thảo vùng đồng bằng sông Cửu Long về hành động sớm dựa vào dự báo hạn hán; các hoạt động thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các sự kiện, hoạt động bên lề khác.

Các Bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, treo băng rôn, khẩu hiệu về Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2023 và kỷ niệm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam; đẩy mạnh đưa tin, bài trên các cơ quan báo chí của ngành về mục đích, ý nghĩa, chủ đề của Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các nội dung tuyên truyền nâng cao trách nhiệm về phòng, chống thiên tai liên quan đến lĩnh vực chuyên môn…

Kế hoạch tổ chức Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2023

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp về Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5).

Theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh chuỗi các hoạt động hưởng ứng, ban tổ chức sẽ phối hợp triển khai một số hoạt động bên lề như hội thảo “Phối hợp hành động thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal”; trồng cây và thả các loài động vật hoang dã tại vườn quốc gia Ba Bể; triển lãm tranh, ảnh về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5)

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết, các hoạt động hướng tới mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác bảo tồn đa dạng sinh học trong nước và quốc tế. Qua đó, tôn vinh những giá trị đa dạng sinh học đối với đời sống của nhân loại, các thông điệp của thế giới đến với cộng đồng để có những hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là dịp nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như vai trò của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, công tác tổ chức cần đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức và đạt được các mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Gắn đảm bảo an ninh lương thực với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái

Trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững, tại phiên làm việc thứ 2, các chuyên gia quốc tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, từ đó đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia. Cụ thể, tại phiên làm việc, đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy hệ thống LTTP phát triển bền vững.

Theo đó, để quản lý hệ thống LTTP bền vững đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi phương pháp sử dụng đất, hạn chế khai thác thủy sản quá mức, ngăn ngừa ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu... Trong cách thức quản lý thực phẩm, yếu tố đa dạng sinh học đóng vai trò rất quan trọng, nhất là sự đa dạng về các loại cây trồng, vật nuôi. Chúng giúp ích rất lớn trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho con người. Bên cạnh đó, hệ thống thực phẩm thường có tính kết nối thành chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ nên cần có biện pháp cụ thể để hướng tới mục tiêu duy trì, bảo tổn, phục hồi đa dạng sinh học, đặc biệt là đa dạng gene. Sự đa dạng giống cây trồng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thất thoát chất dinh dưỡng.

Bảo vệ sự đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái

Đánh giá về nền nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sỹ Christian Hofer cho biết, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng Chiến lược chuyển đổi hệ thống LTTP mang tính bao trùm và có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Trong đó, yếu tố quan trọng là Chính phủ phải đưa ra chính sách hỗ trợ để bảo tồn đa dạng sinh học. Về quyền tiếp cận thực phẩm, cần đặt con người là trung tâm, sau đó cải thiện hệ thống chính sách pháp luật; xây dựng hệ thống thực phẩm phù hợp, tạo ra những khẩu phần ăn lành mạnh, bảo vệ được hệ sinh thái, môi trường.

Thanh Bảo