Bản tin môi trường số 23/2022

Thứ hai, 20/6/2022 | 08:42 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3678/VPCP-NN ngày 14/6/2022 về chủ trương tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V

Hội nghị môi trường toàn quốc là sự kiện lớn của ngành TN&MT và của cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần; nhằm tổ chức đánh giá kết quả đạt được, đề xuất nhóm các giải pháp, nhiệm vụ, chiến lược trọng tâm về bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn mới, nâng tầm công tác bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững đất nước.

Ảnh minh họa

Theo đó, Văn bản nêu rõ, về đề nghị của Bộ TN&MT tại công văn số 2754/BTNMT-TCMT ngày 20/5/2022 về việc xin chủ trương tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau: Đồng ý chủ trương tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V và giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình của Hội nghị đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Trước đó, năm 2015, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV với 5 sự kiện chính được diễn ra gồm phiên toàn thể hội nghị; hội thảo quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; hội thảo khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015; triển lãm quốc tế về môi trường.

Hiện Bộ TN&MT đang tích cực phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp giai đoạn, chương trình để tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V theo kế hoạch.

Quản lý tài nguyên nước, giảm thiểu ô nhiễm cho các dòng sông

Sự phát triển kinh tế đã khiến tài nguyên nước và các lưu vực sông chịu áp lực lớn về môi trường, nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do đó cần nhiều giải pháp để khắc phục.

Để khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi.

Bên cạnh đó, thanh kiểm tra, việc xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây ô nhiễm nguồn nước và công bố công khai các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông để tạo áp lực xã hội là những biện pháp răn đe có hiệu quả.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông

Đối với hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước, hiện nay Bộ TN&MT đã và đang triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường nước trên các lưu vực sông, đồng thời tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp các trạm quan trắc đế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước từ cấp Trung ương đến địa phương. Bộ đang tập trung nguồn lực để đầu tư các trạm quan trắc chất lượng nguồn nước tự động kết hợp với sử dụng công nghệ thông tin để kịp thời, chủ động trong việc kiểm soát, xử lý, cũng như kịp thời dự báo, cảnh báo đến người dân khi có các vấn đề ô nhiễm môi trường nước xảy ra.

Hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã và ứng phó biến đổi khí hậu

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa khởi động dự án mới về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép và ký thỏa thuận hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock phát biểu tại sự kiện: “Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ như hiện nay thì các loài động vật nguy cấp nhất và mang tính biểu tượng nhất của thế giới như tê giác, voi, tê tê và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh của chúng ta trong vòng vài thập kỷ tới. Thông qua dự án mới này, USAID sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép và bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp”.

“Việc thực hiện hiệu quả dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Sherman cùng chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long

Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và là quốc gia trung chuyển, nguồn và điểm đến trong chuỗi cung ứng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) là đơn vị thực hiện dự án phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV).

Cũng tại sự kiện khởi động dự án, USAID và Bộ NN&PTNT đã mở ra một chương mới trong hợp tác về các vấn đề môi trường giữa hai cơ quan. Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã ký thỏa thuận đối tác song phương đầu tiên (gọi là Thỏa thuận tài trợ khung có giới hạn phạm vi) giữa USAID và Bộ NN&PTNT về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2027.

Kim Bảo