Bản tin môi trường số 31/2022

Thứ hai, 15/8/2022 | 08:48 GMT+7
Nhằm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, mới đây Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Việt Nam là trung tâm của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á

Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa WMO và Tổng cục KTTV Việt Nam nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) mà WMO tin tưởng giao Tổng cục KTTV Việt Nam đảm nhiệm.

Đây là hoạt động quan trọng trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét sạt lở đất cho Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Hoạt động này là sự ghi nhận vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực KTTV.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa WMO và Tổng cục KTTV Việt Nam

Theo biên bản ghi nhớ, Tổng cục KTTV Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ thu thập dữ liệu KTTV lịch sử và dữ liệu không gian (GIS) cần thiết cho việc phát triển hệ thống cho các quốc gia thành viên; hỗ trợ điều phối các đánh giá theo quốc gia cụ thể về các loại sản phẩm và dữ liệu được sử dụng trong quá trình phát triển hệ thống.

Đồng thời, Trung tâm khu vực cũng có trách nhiệm phối hợp với các đối tác dự án Hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS) và các Cơ quan KTTV tham gia trong khu vực Đông Nam Á duy trì một đầu mối cho tất cả các vận hành và hoạt động. Trung tâm cũng sẽ cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thích hợp để duy trì, vận hành phần cứng tính toán hệ thống SEAFFGS được sử dụng để phát triển và phổ biến các sản phẩm đồ họa và dữ liệu cho quốc gia và khu vực cho Cơ quan KTTV ở khu vực Đông Nam Á...

UN hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải và phát triển kinh tế tuần hoàn

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã tiếp và làm việc với ông Selwin Hart, Trợ lý Tổng Thư ký, cố vấn đặc biệt về hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc (UN).

Ông Selwin Hart chúc mừng Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với nhiều mục tiêu quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là hành động quan trọng của Việt Nam trong quá trình triển khai cam kết tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế…

Ông Selwin Hart trao đổi với Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành

Trong thời gian tới, UN sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Bộ TN&MT trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của COP26, giảm phát thải và phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam…

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị UN tiếp tục thúc đẩy các nước phát triển và các thể chế tài chính quốc tế tham gia hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ để triển khai các cam kết tại COP26. Bao gồm: hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; tham vấn với các đối tác quốc tế và các bên có liên quan đánh giá mức độ phát thải và cơ hội giảm phát thải khí metan trong các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ tăng cường nhận thức, năng lực thể chế và khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam; hợp tác phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

UNESCO phát động tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2022

Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã cùng với Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà chính thức phát động Chương trình Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2022.

Các chuyên gia trao đổi về vấn nạn rác nhựa tại lễ phát động Chương trình Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2022

Chương trình Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2022 nhằm hỗ trợ các nhóm thanh niên và nhà khoa học trẻ xây dựng và phát triển các giải pháp cho vấn đề về thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng… rác thải nhựa, đặc biệt là rác nhựa dùng một lần, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và hướng tới sự phát triển bền vững của đại dương.

Tham gia chương trình, các bạn trẻ sẽ có cơ hội xây dựng ý tưởng, tranh tài, được đào tạo định hướng bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tham quan thực tế địa bàn triển khai ý tưởng, được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để triển khai thí điểm các ý tưởng của mình tại khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà; cũng như có cơ hội được tham gia Mạng lưới thanh niên và các nhà khoa học trẻ cùng các sự kiện liên quan cấp khu vực và quốc tế của UNESCO.

Chương trình nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Thanh niên và đổi mới sáng tạo vì đại dương xanh” triển khai từ năm 2020, nhằm thể hiện cam kết của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các hệ sinh thái biển và phát triển đại dương.

Bảo An