Bản tin môi trường số 5/2022

Thứ hai, 14/2/2022 | 08:14 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống giám sát đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cấp quốc gia với 6 nhóm nội dung quan trọng đi kèm bộ chỉ số.

Giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Hệ thống giám sát đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia, có 6 nhóm nội dung sẽ được thực hiện giám sát, đánh giá. Các chỉ số đánh giá đều là kết quả nghiên cứu từ thực tiễn công tác thích ứng BĐKH tại Việt Nam những năm qua và kinh nghiệm quốc tế. Theo các chuyên gia thuộc Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, các chỉ số giúp tăng cường khả năng ứng dụng thực tế của hệ thống giám sát, đánh giá và có thể phục vụ cho nhiều mục đích. Dựa vào đây, các nhà quản lý có thể theo dõi nội dung nào đạt được mục tiêu, nội dung nào đang thiếu hụt và phân tích những khó khăn, tồn tại; tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng trong năm sau.

Thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu

Việc tổng hợp các chỉ số cũng là cơ sở dữ liệu đầu vào, cung cấp bằng chứng đánh giá những hoạt động thích ứng thành công, bài học kinh nghiệm giúp định hướng cho các giải pháp hoặc chính sách trong tương lai. Là công cụ học tập, các chỉ số có thể cung cấp kiến thức có giá trị cho các tổ chức và Chính phủ để quản lý các hoạt động thích ứng.

6 nhóm nội dung sẽ được thực hiện giám sát, đánh giá bao gồm: công tác quản lý Nhà nước về BĐKH; tăng cường năng lực chống chịu và thích ứng với BĐKH; giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH; nguồn lực cho thích ứng BĐKH; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với BĐKH.

Phấn đấu gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi

Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững đất nước.

Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gene, quản lý tiếp cận nguồn gene, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gene; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Tăng cường bảo tồn các vùng ven biển

Mới đây, nhóm nghiên cứu do Đại học Queensland (Úc) dẫn đầu đã lập bản đồ về tác động của những áp lực do con người gây ra đối với các vùng ven biển, từ đó tổng kết thành tài liệu quan trọng cho các quốc gia trong việc bảo vệ khu vực trên.

Theo các nhà khoa học, tốc độ suy thoái của các khu vực ven biển đã và đang diễn ra nhanh chóng và ở mức độ đặc biệt trầm trọng, gây ra những mối đe dọa lớn đối với không chỉ các loài và môi trường sống ven biển mà còn đối với sức khỏe, sự an toàn và an ninh kinh tế của vô số người sống hoặc dựa vào các khu vực ven biển trên khắp thế giới.

Tính đến năm 2013, chỉ có 15,5% các khu vực ven biển vẫn còn nguyên vẹn, trong đó Canada chiếm phần rộng lớn nhất, các khu vực rộng lớn khác nằm ở Nga, Greenland, Chile, Australia và Mỹ.

Còn rất ít các khu vực ven biển vẫn còn nguyên vẹn

Những phát hiện, nghiên cứu này đã được tổng hợp thành một bộ dữ liệu công khai, sử dụng miễn phí, giúp cung cấp những hiểu biết có giá trị về tác động rộng rãi của nhân loại đối với các hệ sinh thái ven biển quý giá của trái đất.

Nhà khoa học Brooke Williams, trường Khoa học trái đất và môi trường, Đại học Queensland nhấn mạnh: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát mới có hy vọng bảo tồn những vùng ven biển vẫn còn nguyên vẹn và khôi phục những vùng bị suy thoái nặng, đặc biệt là giảm thiểu tác động của BĐKH".

Thanh Bảo