Bản tin môi trường số 7/2023

Thứ hai, 20/2/2023 | 10:50 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh; đã nghiên cứu và đề xuất các hướng giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn.

Phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030

Quy hoạch sẽ tính toán, cập nhật các dự báo về nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu; dự báo dài hạn các tác động của các hoạt động khai thác nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế và nội tại; kế thừa các cơ sở khoa học, kết quả nghiên cứu của các tổ chức trong nước, quốc tế liên quan đến các vấn đề lớn, phức tạp tại từng vùng.

Đồng thời đề xuất các giải pháp lớn, giải quyết triệt để hơn vấn đề về phòng, chống thiên tai và thủy lợi như các công trình khắc phục vấn đề hạ thấp mực nước trên các sông lớn, kiểm soát nguồn nước ở cửa sông, hệ thống công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước và đưa nước đi xa, giải pháp tưới cho cây trồng cạn, nhất là các vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước...

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã cùng thảo luận, góp ý về dự thảo Quy hoạch với sự chủ trì của Cục Thủy lợi và sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Quy hoạch sẽ được hoàn thiện theo hướng nhận diện rõ hơn những thách thức phải đối mặt; chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính không gian và thời gian (trong đó không gian phải tính tối thiểu là vùng, còn thời gian phải xa hơn); cập nhật hơn nữa các thông số, số liệu về khí tượng thủy văn; tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ.

Thành lập Hội đồng quản lý, giám sát hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-BTNMT thành lập Hội đồng EPR quốc gia có nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải.

Hội đồng EPR quốc gia có nhiệm vụ chính là tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tư vấn, giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải

Theo đó, Hội đồng EPR quốc gia sẽ tổ chức xây dựng tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế, hoạt động xử lý chất thải và đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt để công bố công khai; thẩm định, biểu quyết thông qua các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì, hoạt động xử lý chất thải của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật và trình Bộ xem xét, phê duyệt. Thông qua quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu và hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu và trình Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường xem xét, ban hành...

Theo quyết định, Hội đồng EPR quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, bảo đảm nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Hội đồng EPR quốc gia được sử dụng con dấu của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao.

Xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam

Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC giai đoạn I của Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện WB, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và đơn vị tư vấn đã chia sẻ những kết quả sau quá trình khảo sát, thu thập, phân tích dữ liệu tiêu thụ HFC và đưa ra dự báo tăng trưởng, các kịch bản loại trừ dần HFC để đảm bảo việc tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC giai đoạn I của Việt Nam

Theo các chuyên gia, dựa trên mức tiêu thụ HFC dự kiến cho giai đoạn 2023 – 2024, các biện pháp can thiệp ban đầu tập trung vào giảm lượng tiêu thụ HFC đối với những môi chất có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính cao, có sản phẩm thay thế trên thị trường với nguy cơ thấp hơn và những ngành tiêu thụ lớn trong tổng mức tiêu thụ của Việt Nam. Các chuyên gia, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp cũng đưa ra một số ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện bản dự thảo Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC của Việt Nam giai đoạn I, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 30/12/2023.

Được biết, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình loại trừ dần các chất HFC từ năm 2024, với mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024 - 2028 ở mức tiêu thụ cơ sở. Lượng tiêu thụ giảm dần ở mức 10% trong giai đoạn 2029 - 2034, giảm 30% trong giai đoạn 2035 - 2039, giảm 50% trong giai đoạn 2040 - 2044 và giảm 80% mức tiêu thụ cơ sở từ năm 2045. Những vấn đề này đã được đưa vào quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan. Với lộ trình trên, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với WB, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và các cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC của Việt Nam giai đoạn I.

Kim Bảo