Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 1/2023

Thứ hai, 2/1/2023 | 08:00 GMT+7
Trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm; huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt…

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm

Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành công thương, năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ về xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật như: sửa đổi Luật Điện lực; xây dựng Nghị định hướng dẫn Điều 6, Luật số 03/2022/QH15 về xã hội hóa lưới điện truyền tải; hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện.

Bộ cũng tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ các đề án như: hoàn thiện Quy hoạch điện VIII; Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; báo cáo Chính phủ để ban hành Nghị quyết Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025. Nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu, quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành…

Năm 2023, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) dự kiến đạt 83.156MW, tăng 4,4% so với ước thực hiện năm 2022

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm; huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về đề án chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV...

Một số mục tiêu cân đối điện của ngành công thương năm 2023 là: tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà): dự kiến đạt 83.156MW, tăng 4,4% so với ước thực hiện năm 2022. Tỷ lệ dự phòng công suất nguồn (không bao gồm năng lượng tái tạo): dự kiến đạt 18,8% - 20,1%.

Điện thương phẩm: dự kiến đạt khoảng 259,5 - 263,6 tỷ kWh, tăng 7,4 - 9,1% so với ước thực hiện năm 2022. Điện sản xuất và nhập khẩu: dự kiến đạt khoảng 289,9 - 294,3 tỷ kWh, tăng 8 - 9,7% so với ước thực hiện năm 2022.

Thêm công trình giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực tỉnh Ninh Thuận

Mới đây, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu đóng điện dự án đường dây 220kV mạch kép Ninh Phước - Thuận Nam.

Dự án vượt tiến độ 2 ngày theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Ninh Thuận (phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022).

Đường dây 220kV mạch kép Ninh Phước - Thuận Nam được xây dựng trên địa bàn các huyện Ninh Phước và Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có tổng mức đầu tư 198,15 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 3 tiếp nhận vận hành.

Đường dây 220kV Ninh Phước – Thuận Nam vừa được đóng điện thành công

Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B có quy mô chính gồm: xây dựng đường dây 220kV mạch kép từ trạm biến áp 220kV Ninh Phước đến trạm biến áp 500kV Thuận Nam với chiều dài khoảng 12,9km và 34 vị trí cột; xây dựng, lắp đặt thiết bị cho 2 ngăn xuất tuyến 220kV tại trạm biến áp 220kV Ninh Phước và 2 ngăn xuất tuyến tại trạm biến áp 500kV Thuận Nam.

Việc hoàn thành dự án nhằm đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất từ các nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió đấu lên lưới điện khu vực tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới, chống quá tải cho trục đường dây 220kV Ninh Phước - trạm biến áp 500kV Thuận Nam hiện hữu; bảo đảm vận hành an toàn, nâng cao độ tin cậy hệ thống lưới điện quốc gia và lưới điện tại khu vực tỉnh Ninh Thuận.

108 nhà máy điện tham gia thị trường điện cạnh tranh

Theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 12 năm 2022, đã có 108 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất đặt là 30.837 MW, chiếm khoảng 38,8% tổng công suất toàn hệ thống.

Để vận hành thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường.

Tính đến tháng 11/2022, 108 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện với tổng công suất đặt là 30.837 MW, chiếm khoảng 38,8% tổng công suất toàn hệ thống.

Ảnh minh họa

Sáu đơn vị mua bán điện gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty Điện lực: miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP Hà Nội và TPHCM trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện, tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện đã từng bước được mở rộng về quy mô.

Hiện thị trường điện cạnh tranh đang triển khai cấp độ 2 (thị trường bán buôn điện cạnh tranh). Để tiến tới thực hiện cấp độ 3 của thị trường (thị trường bán lẻ điện cạnh tranh), Bộ Công Thương đã ban hành Thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, làm cơ sở để chuẩn bị cho các bước phát triển của thị trường bán lẻ điện tại Việt Nam.

Ngân Hà