Năng lượng phát triển

Bản tin năng lượng số 24/2023

Thứ hai, 26/6/2023 | 09:00 GMT+7
Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và vừa có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Đề xuất cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu

Theo đó, các cơ chế khuyến khích được Bộ Công Thương đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Cơ chế này cũng không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt. Tuy nhiên, hệ thống phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.

Dự thảo cũng nêu rõ, để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các Bộ, ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án gần 5.000 tỷ cấp điện cho huyện Côn Đảo

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 708-QĐ/TTg ngày 16/6/2023 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo quyết định, dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 110kV, 1 mạch, từ ngăn xuất tuyến 110kV tại trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu – tỉnh Sóc Trăng đến trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo; mở rộng 1 ngăn lộ đường dây 110kV tại trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; xây dựng mới trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo bằng công nghệ GIS, quy mô 2x63 MVA (giai đoạn này lắp 1 máy 63 MVA).

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo

Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án. Dự án sử dụng vốn hỗn hợp (vốn ngân sách trung ương và vốn của EVN) được quản lý theo quy định của dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Dự án được triển khai trong giai đoạn từ năm 2023 - 2026. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 4.950 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương khoảng 2.526,16 tỷ đồng và vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên…

Bộ Công Thương chỉ đạo và hướng dẫn EVN trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án cũng như việc lựa chọn công nghệ dây dẫn, cách điện phụ kiện… trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án và phù hợp mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia...

Thủ tướng giao EVN tổ chức triển khai lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo quy định, đồng thời với lập báo cáo nghiên cứu khả thi; chịu trách nhiệm bố trí đủ nguồn vốn và tổ chức triển khai thực hiện, quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra.

Thành lập Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định 743/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Theo đó, Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia để thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Thủ tướng ban hành quyết định thành lập Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia. (Ảnh minh họa)

Nhiệm vụ của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia là thẩm định, phê duyệt hoặc công nhận trữ lượng và tài nguyên khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, báo cáo thăm dò nâng cấp trữ lượng làm cơ sở cho công tác quản lý, lập dự án đầu tư khai thác mỏ và thiết kế khai thác, phát triển mỏ; xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác theo quy định của pháp luật.

Xây dựng tiêu chuẩn về phân cấp trữ lượng khoáng sản để Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền. Xem xét, thống nhất chỉ tiêu tạm thời trữ lượng khoáng sản rắn trong quá trình thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản. Quản lý hồ sơ, tài liệu, cơ sở dữ liệu về trữ lượng khoáng sản; thống kê trữ lượng khoáng sản đã được Hội đồng phê duyệt hoặc công nhận.

Hội đồng còn có nhiệm vụ đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia. Đồng thời, giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngân Hà