Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 26/2023

Thứ hai, 10/7/2023 | 08:00 GMT+7
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị phía Australia chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất hydro xanh, amoniac xanh từ năng lượng tái tạo với chi phí phù hợp; giải quyết bài toán nguồn lực tài chính cho chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo…

Việt Nam và Australia hợp tác về chuyển đổi năng lượng

Tại trụ sở Chính phủ, ngày 7/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Andrew Goledzinowski chia sẻ mục tiêu của Australia về việc chuyển đổi 82% nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo vào năm 2030. Chính phủ Australia đánh giá rất cao những cam kết của Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ lộ trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, góp phần nâng tầm quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Australia cũng rất quan tâm đến định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII; ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác, chế biến các loại khoáng sản quý, hiếm ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào lộ trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero). Đây là định hướng quan trọng giúp Việt Nam vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội phát triển mới.

Thông tin về lộ trình triển khai Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, Phó Thủ tướng mong muốn Australia sẽ tham gia xây dựng cơ chế phối hợp, cùng hành động của các nước phát triển và đang phát triển để đạt mục tiêu Net Zero.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Australia chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất hydro xanh, amoniac xanh từ năng lượng tái tạo với chi phí phù hợp; cách thức tiếp cận, quản lý lưới điện, hệ thống truyền tải năng lượng thông minh; giải quyết bài toán nguồn lực tài chính cho chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo; phương án thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch để bảo đảm độ cân bằng và ổn định hệ thống năng lượng…

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự trợ giúp của các tổ chức, đối tác phía Australia trong xây dựng chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản, chuyển đổi năng lượng… Về tiềm năng khai thác các loại khoáng sản quý, hiếm, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế trong hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò địa chất, đánh giá trữ lượng, từ đó định hướng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sâu với công nghệ hiện đại nhất.

Nhà đầu tư lớn của tỉnh Quảng Bình phát triển dự án điện gió tại Lào

Mới đây, Lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án điện gió giữa Chính phủ Lào và Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình (Công ty AMI Quảng Bình) diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn (nước CHDCND Lào).

Trước đó, tháng 12/2022, được sự chấp thuận và ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào ký thỏa thuận với Công ty AMI Quảng Bình về việc nghiên cứu khảo sát dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet tại huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet.

Dự án có quy mô công suất giai đoạn 1 là 252 MW trên diện tích 2.687ha; tiến độ hoàn thành báo cáo tiền khả thi trong vòng 24 tháng. Tháng 1/2023, dự án này được đưa vào biên bản kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Lào - Việt Nam, được hai Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi để triển khai.

Ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào phê duyệt và ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đại diện ký kết thỏa thuận phát triển dự án với Công ty AMI Quảng Bình.

Theo tiến độ, Công ty AMI Quảng Bình sẽ hoàn thành và trình phê duyệt báo cáo khả thi cuối cùng vào tháng 9/2023, ký kết hợp đồng nhượng quyền vào cuối năm 2023, khởi công dự án vào quý II/2024 và phát điện thương mại vào quý IV/2025.

Lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án điện gió giữa Chính phủ Lào và Công ty AMI Quảng Bình

Trên cơ sở báo cáo tiền khả thi, hiện Công ty AMI Quảng Bình đã trình Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương án đấu nối và đầu tư toàn bộ tuyến đường dây truyền tải; đề xuất với Ủy ban Biên giới Lào và Việt Nam phối hợp cùng với tỉnh Quảng Trị và Savannakhet kiểm tra thực địa vị trí đường dây và phương án vận chuyển thiết bị nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Với quy mô công suất toàn bộ dự án là 1.220 MW, dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, là dự án lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đầu tư tại Lào đến thời điểm này.

Dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại Quảng Bình. Đây cũng là điều kiện thuận lợi trong lộ trình mở, nâng cấp cửa khẩu Chút Mút (Quảng Bình) - Lạ Vin (Savannakhet) theo quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hỗ trợ các doanh nghiệp Singapore quan tâm đầu tư điện gió tại Việt Nam

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng nhân chuyến thăm của ông đến Việt Nam.

Tại hội đàm, Bộ trưởng Tan See Leng đề xuất một số nội dung hợp tác giữa Singapore và Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp Singapore quan tâm đến các dự án đầu tư điện gió, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam (nội dung trong khuôn khổ bản ghi nhớ giữa hai Bộ Công Thương về hợp tác năng lượng).

Thứ hai, nâng cấp Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore (ký năm 2005 giữa hai Chính phủ).

Thứ ba, nghiên cứu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực tài chính xanh.

Thứ tư, nghiên cứu khả thi việc tham gia sáng kiến kết nối lưới điện qua đại dương.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước, cụ thể là đối với các sản phẩm thịt chế biến, rau, quả tươi.

Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác về kinh tế số, trong đó có việc các doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực này của Singapore chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam.

Cuối cùng là nghiên cứu ý tưởng phát triển chuỗi cung ứng năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững, bao gồm các loại năng lượng từ khí tự nhiên, năng lượng tái tạo, các năng lượng mới như hydrogen, amoniac xanh…

Việt Nam và Singapore sẽ nghiên cứu ý tưởng phát triển chuỗi cung ứng năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí với các đề nghị của Bộ trưởng Tan See Leng và giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị phía Singapore một số nội dung, trong đó có yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển khuôn khổ chính sách để xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp Singapore quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ nền tảng, năng lượng tái tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, hỗ trợ Việt Nam khai thác, chế biến sâu khoáng sản, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Ngân Hà (t/h)