Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 3/2022

Thứ hai, 24/1/2022 | 08:37 GMT+7
Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) với chủ đề Cùng nhau chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam diễn ra vào ngày 24/1.

Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của VEPG: Chuyển dịch năng lượng bền vững

Hội nghị do Ban chỉ đạo Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) - Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp tổ chức. 

Hội nghị có sự tham gia của các đại diện cấp cao từ Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm đảm bảo sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan đồng thời tuân thủ quy định về an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hội nghị lần này đánh dấu một chặng đường mới quan trọng của VEPG, tập trung hơn vào việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững tại Viêt Nam. Bên cạnh việc chính thức tuyên bố định hướng và khẩu hiệu mới cho VEPG, hội nghị còn có sự tham gia tích cực của các đối tác trong khuôn khổ hợp tác VEPG và cung cấp những thông tin hữu ích cho tầm nhìn chiến lược của Việt Nam hướng tới quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương cùng sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

VEPG được thành lập vào tháng 6/2017 theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển. Hoạt động của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam do Bộ Trưởng Bộ Công Thương chủ trì và đồng chủ trì là đại diện của Liên minh châu Âu và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Khánh thành Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Trà Vinh)

Mới đây, Nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh được khánh thành, đưa vào vận hành phát điện. Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 có quy mô 25 trụ gió (mỗi trụ turbine gió có công suất 4MW), đạt tổng công suất 100MW. Dự án xây mới trạm biến áp 33/220kV và đường dây 500kV, đường dây 11,6km nối từ Nhà máy điện gió Đông Hải 1 về trạm biến áp. 

Dự án do Công ty CP điện Gió Trung Nam Trà Vinh 1 (thành viên của Trungnam Group) triển khai thực hiện.

Khánh thành Nhà máy điện gió Đông Hải 1

Để xây dựng 25 trụ gió, đơn vị thi công sử dụng xe cẩu trục cao 130m và lực nâng hơn 1.200 tấn để lắp ráp 75 cánh gió vào các trụ ở độ cao 105m giữa biển. Sau gần 10 tháng thi công, Trungnam Group vận chuyển khoảng 70.000 tấn thiết bị, hơn 18.000 tấn thép qua quãng đường hơn 12.000km với 1.100 kỹ sư, công nhân đóng trực tiếp 115.000m cọc thép xuống đáy biển để xây dựng móng các trụ gió.

Dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 chính thức đi vào vận hành thương mại sẽ bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh mỗi năm vào lưới điện quốc gia. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh.

Thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa ban hành Quyết định số 12/QĐ-BCĐTKNL về Quy chế xây dựng, tuyển chọn và tổ chức quản lý thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Quy chế này quy định việc xây dựng, tuyển chọn và tổ chức quản lý, thực hiện các nhiệm vụ sử dụng kinh phí từ ngân sách trung ương thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019.

Nhiệm vụ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thuộc Chương trình bao gồm tất cả các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng mục tiêu của Chương trình, được triển khai dưới các hình thức: chương trình; đề tài khoa học; dự án (sản xuất, sản xuất thử nghiệm; đầu tư...); hoạt động dịch vụ tư vấn, hoạt động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, dịch vụ và các hoạt động hỗ trợ khác như đào tạo, nâng cao năng lực nhằm đảm bảo sản phẩm (bao gồm dạng vật chất như: vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị, phương tiện... và dạng trí tuệ như: quy trình công nghệ, quy trình quản lý sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, hành vi tiêu dùng, chính sách, nhân lực...) được cải thiện, tăng cường về mặt sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 là cơ quan thống nhất quản lý, điều hành những công việc quan trọng, liên ngành của Chương trình nhằm đạt được mục tiêu đề ra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có tên trong Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 (cơ quan trung ương), UBND các tỉnh là cơ quan quản lý thực hiện và chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước. Đối với nhiệm vụ sử dụng vốn ngân sách trung ương, cơ quan trung ương chủ trì việc tuyển chọn nhiệm vụ, phê duyệt danh mục dự kiến thực hiện hàng năm và gửi danh mục về Bộ Công Thương để tổng hợp.

Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp và đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Cơ quan trung ương và địa phương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng thực hiện theo dõi, kiểm tra việc triển khai Chương trình do đơn vị quản lý gồm: xây dựng kế hoạch tổng thể và tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình; kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Trước ngày 31/1 hàng năm, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo việc thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ năm của cơ quan mình về Bộ Công Thương. Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Ban chỉ đạo Chương trình kết quả hàng năm trong quý I của năm kế tiếp.

Ngân Hà