Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, Bộ Công Thương đã trao đổi về từng nhóm vấn đề cụ thể như điều chỉnh phân bổ công suất nguồn cho từng địa phương; các dự án thủy điện, điện rác, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời, điện mặt trời áp mái… không phù hợp với tổng công suất nguồn của Quy hoạch điện VIII; chuyển các dự án điện than sang điện khí; điều chỉnh các dự án nguồn điện trong vùng kinh tế - xã hội…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc triển khai Quy hoạch điện VIII trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, đến nay đề xuất dự án nguồn điện của nhiều địa phương chưa bảo đảm hết các điều kiện để thực hiện, vượt phân bổ chỉ tiêu công suất.
Đối với nhóm địa phương đã đáp ứng đầy đủ hướng dẫn của Bộ Công Thương về xác định các dự án nguồn điện, đúng chỉ tiêu công suất được phân bổ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đưa vào danh mục dự án trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, có thời gian triển khai, tiến độ, trách nhiệm cụ thể; bảo đảm đồng bộ giữa các nguồn, hiệu quả đầu tư, an ninh an toàn năng lượng…
Quanh cảnh cuộc họp
Đối với các dự án vượt công suất, chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phân loại thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả kinh tế, làm phương án dự phòng khi có dự án trong danh mục gặp rủi ro, bảo đảm thực hiện Quy hoạch đúng theo lộ trình.
Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm ưu tiên điện sinh khối, điện rác, điện mặt trời áp mái… theo Quy hoạch điện VIII, trên cơ sở tính toán, cân đối các nguồn điện khác, bảo đảm an toàn lưới điện. Các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời xuất khẩu trực tiếp, hoặc sản xuất hydro, gắn với thủy điện tích năng… được khuyến khích phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, bản Kế hoạch phải thực hiện được Quy hoạch điện VIII theo tiến độ, mục tiêu đặt ra nhưng không hạn chế sự sáng tạo hay làm mất đi cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm hiệu quả, lợi ích kinh tế.
Xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện chất thải, điện sinh khối
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện chất thải, điện sinh khối.
Dự thảo Thông tư quy định rõ trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện chất thải, điện sinh khối hàng năm. Theo đó, trước ngày 1/11 hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm: đề xuất lựa chọn nhà máy điện chất thải chuẩn, nhà máy điện sinh khối chuẩn để tính toán khung giá phát điện. Tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số và tính toán giá phát điện của nhà máy điện chất thải chuẩn, nhà máy điện sinh khối chuẩn theo quy định. Lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện nhà máy điện chất thải, nhà máy điện sinh khối cho năm kế tiếp theo quy định tại Điều 11 Thông tư này, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra chi tiết nội dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt. Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ.
Ảnh minh họa
Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thẩm định khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện cho loại hình nhà máy điện chất thải, nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện, nhà máy điện sinh khối không phải là nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện cho năm tiếp theo và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực.
Trường hợp khung giá phát điện của năm tiếp theo chưa được công bố, cho phép tạm thời áp dụng khung giá phát điện có hiệu lực gần nhất.
Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải, nhà máy điện sinh khối bao gồm: tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về lựa chọn các thông số và tính toán về khung giá phát điện; bảng thông số và các tài liệu tính toán giá phát điện cho các nhà máy điện chất thải chuẩn, nhà máy điện sinh khối chuẩn theo quy định tại Điều 4, Điều 7 và Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; những tài liệu liên quan đến các thông số tính toán giá phát điện.
Thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) về tình hình triển khai những dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII
Để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện khí (khí khai thác trong nước và LNG) và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hoạt động cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí khẩn trương rà soát quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trước ngày 20/12/2023.
Đồng thời, Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.