Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 9/2023

Thứ hai, 6/3/2023 | 08:00 GMT+7
Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 nhấn mạnh, cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo

Theo Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030.

Về tái cơ cấu ngành năng lượng, đề án nêu: Phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững và đi trước một bước so với phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Khai thác và sử dụng tối ưu, tiết kiệm các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các loại năng lượng sạch mới. Đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% năm 2030.

Mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng đạt khoảng 15 - 20% năm 2030

Hình thành hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp. Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Tiến tới áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Hình thành và phát triển các trung tâm năng lượng, đặc biệt là các trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế gắn với đảm bảo cân đối cung - cầu theo vùng, miền. Khuyến khích phát triển các dự án đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng để vận hành tối ưu hệ thống và tích hợp năng lượng tái tạo nhằm ổn định cung cầu năng lượng, đảm bảo phân phối điện tới các vùng nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo.

Phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, bền vững, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng kết nối khu vực và chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư phát triển nguồn năng lượng ở nước ngoài.

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ điện năng, công nghệ thu giữ và sử dụng hiệu quả carbon…

Pháp sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mới đây, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có buổi tiếp và làm việc với ông Olivier Becht, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Sức thu hút của nước Pháp và người Pháp ở nước ngoài để trao đổi về tình hình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong bối cảnh hai nước tiến hành kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, cùng với xu thế phát triển xanh và chuyển đổi năng lượng, các doanh nghiệp Pháp có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vực như: phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thân thiện với môi trường; chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện tại Việt Nam; các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới tải hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: moit.gov.vn)

Về phía Pháp, ông Olivier Becht, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Sức thu hút của nước Pháp và người Pháp ở nước ngoài đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng trong thời gian qua. Đồng thời chia sẻ những khó khăn và thách thức tác động về xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Olivier Becht cho biết, Pháp sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các nguồn lực giúp Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Hai bên tin tưởng, Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục là các đối tác tin cậy, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược đã và đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước và trong các khuôn khổ hợp tác đa phương khác.

Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi với Việt Nam

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An có buổi tiếp ông Erling Rimestad, Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao Vương quốc Na Uy nhân chuyến thăm của ông tới Việt Nam.

Tại buổi gặp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ và quan trọng của Na Uy với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng. 

Ông Erling Rimestad cho biết, nhờ có đường bờ biển dài, nguồn gió ngoài khơi dồi dào nên ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo của Na Uy rất phát triển. Với kinh nghiệm chuyên môn lâu đời về hàng hải và các hoạt động ngoài khơi, Na Uy đang ở một vị trí có một không hai để đóng góp vào thị trường gió ngoài khơi đang ngày càng phát triển. 

Các công ty và cụm công nghiệp của Na Uy đang tận dụng những kiến thức chuyên môn ngoài khơi, đặc biệt là những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức xây dựng các công trình trên biển của mình để khẳng định vị thế trên thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu. Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao này với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tiếp ông Erling Rimestad, Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao Vương quốc Na Uy

Nhân dịp này, ông Erling Rimestad cũng giới thiệu tới Thứ trưởng Bộ Công Thương các tập đoàn năng lượng sạch hàng đầu Na Uy gồm: Mainstream, Scatec, Norsk Solar, Equinor và trao đổi về triển vọng của các nguồn đầu tư Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cũng như mong muốn được tìm hiểu quy định của Việt Nam để phát triển điện gió ngoài khơi.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã chia sẻ nội dung phía bạn quan tâm gồm các khuôn khổ pháp lý của Việt Nam để phát triển điện gió ngoài khơi. 

Tại buổi làm việc, hai bên đều nhận thấy, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các doanh nghiệp Na Uy, các quỹ đầu tư Na Uy cần nghiên cứu, tham gia hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chủ trương đầu tư, nghiên cứu triển khai các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam theo định hướng, lộ trình quy hoạch và quy định của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy những hoạt động để phát triển các dự án năng lượng xanh như điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro... giữa tập đoàn, công ty của Việt Nam cùng đối tác Na Uy.

Ngân Hà