Bảo vệ tài nguyên nước vì hòa bình nhân loại

Thứ sáu, 22/3/2024 | 15:56 GMT+7
Nhân Ngày Nước thế giới (22/3) năm 2024 với chủ đề “Nước cho hòa bình”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gửi đi thông điệp về bảo vệ, quản lý tài nguyên nước vì hòa bình thế giới.

Thông qua Ngày Nước thế giới năm nay, Liên Hợp Quốc mong muốn phát đi thông điệp, khi không có đủ nước hoặc khi nước bị ô nhiễm, mọi người sẽ không thể tiếp cận nước bình đẳng hoặc không có bất kỳ quyền tiếp cận nào với nước, điều này sẽ khiến gia tăng căng thẳng giữa các bên, các khu vực. Ngược lại, khi các bên hợp tác về vấn đề nước sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực thúc đẩy sự hài hòa, thịnh vượng trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo khả năng phục hồi trước những thách thức chung. 

Ngày Nước thế giới là dịp để tất cả mọi người, mọi quốc gia cùng đoàn kết lại trong vấn đề bảo đảm nguồn nước và sử dụng nước vì hòa bình, đặt nền móng cho một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn. Đây cũng là dịp để các quốc gia chung tay thúc đẩy hành động giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững số 6 - là bảo đảm nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Ngày Nước thế giới năm 2024 có chủ đề “Nước cho hòa bình"

Trong thông điệp nhân Ngày Nước thế giới năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, hành động vì nước là hành động vì hòa bình. Ngày nay, điều đó đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Hợp tác để bảo vệ nguồn nước có thể tạo ra năng lượng và duy trì hòa bình. Quản lý nước có thể giúp thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và mối quan hệ giữa các cộng đồng, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi trước thảm họa khí hậu. Ngoài ra, còn giúp thúc đẩy tiến bộ hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững – nền tảng của xã hội hòa bình, bao gồm các yếu tố: cải thiện sức khỏe, giảm nghèo, bất bình đẳng, tăng cường an ninh lương thực và nước.

Theo ông Antonio Guterres, ngày nay, thế giới đang ở trong “một vùng nước hỗn loạn”, giữa lúc xung đột hoành hành, bất bình đẳng, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học tràn lan. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng với nguy cơ đe dọa hòa bình thì tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học lại càng trở nên hiện hữu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo, hành tinh đang nóng lên, mực nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi và dòng chảy của sông đang giảm dần. Điều này dẫn đến hạn hán ở một số nơi, lũ lụt và xói mòn bờ biển ở những vùng khác. Trong khi đó, ô nhiễm và tiêu thụ quá mức tài nguyên đang đe dọa nguồn nước sạch, trong lành, dễ tiếp cận mà mọi sự sống đều phụ thuộc vào. Nguồn cung suy giảm có thể làm tăng sự cạnh tranh và gây căng thẳng giữa người dân, cộng đồng và quốc gia. Điều đó đang làm tăng nguy cơ xung đột.

Tổng thư ký Antonio Guterres cho rằng, việc hiện thực hóa chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay phụ thuộc vào những nỗ lực hợp tác lớn lao của con người. Hiện nay, 153 quốc gia trên thế giới đang cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, chỉ có 24 quốc gia trong số đó báo cáo duy trì thỏa thuận hợp tác về toàn bộ nguồn nước chung của họ. Vì vậy, cần phải tăng cường nỗ lực hợp tác xuyên biên giới; tất cả các nước tham gia, thực hiện Công ước Nước của Liên Hợp Quốc cần thúc đẩy quản lý tài nguyên nước chung một cách bền vững.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng thế giới hãy cam kết cùng nhau hành động để biến nước thành động lực hợp tác, hòa hợp và ổn định, từ đó tạo ra một thế giới hòa bình, thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Ngọc Huyền (T/H)