Nhật Bản hỗ trợ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Việt Nam

Thứ sáu, 1/3/2024 | 16:20 GMT+7
Tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm việc với các chuyên gia tài nguyên nước của Nhật Bản về việc hợp tác thúc đẩy công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Lê Thị Việt Hoa, Trưởng phòng Lưu vực sông Mê Kông, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, Cục Quản lý tài nguyên nước là cơ quan tổ chức xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện biện pháp duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, hạ lưu các hồ chứa, đập dâng xác định dòng chảy tối thiểu trong sông.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được ban hành mới đây nêu rõ, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và tổ chức khác có liên quan xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Cục Quản lý tài nguyên nước làm việc với các chuyên gia tài nguyên nước của Nhật Bản

Được biết, Nhật Bản có nhiều công nghệ phát triển liên quan đến dự báo, cảnh báo lũ, bản đồ ngập lụt. Theo đó, để xây dựng được kịch bản nguồn nước, Cục cần những thông tin, chia sẻ kinh nghiệm từ phía Nhật Bản; đồng thời mong muốn các cơ quan Nhật Bản có thể hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch lưu vực sông và các Nghị định hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2023 cho Việt Nam.

Tại cuộc họp, ông Kikuta Tomoya, Giám đốc điều phối quốc tế về kỹ thuật sông, Cục Quản lý và thiên tai, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản chia sẻ, ở vùng núi của Nhật Bản thường xây nhiều đập tại thượng lưu để giảm lũ và các công nghệ phòng chống lũ lụt. Với kinh nghiệm của mình, Nhật Bản mong được chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ tới Cục Quản lý tài nguyên nước để áp dụng vào Việt Nam.

Ông Kikuta Tomoya cho biết, Nhật Bản đánh giá cao và sẵn sàng hỗ trợ Cục Quản lý tài nguyên nước trong việc hoàn thiện các nghị định và quy hoạch quản lý lưu vực sông vào cuối năm 2024.

Trong buổi làm việc, ông Kikuta Tomoya còn đề cập đến sáng kiến “Kumamoto vì nước” nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để phát triển “Cơ sở hạ tầng chất lượng” bao gồm đập, hệ thống thoát nước và cơ sở nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác động rủi ro liên quan đến nước. Ông hy vọng sẽ có cơ hội được hợp tác với Việt Nam thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hai bên đã trao đổi, chia sẻ các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và  định hướng kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.

Mỹ Dung (T/H)