Tìm giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước

Thứ sáu, 15/3/2024 | 17:23 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Sáng kiến hợp tác về nước (VACI) 2024 với chủ đề “Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước: Khoa học, chính sách và thực tiễn”.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, chuỗi sự kiện, hội thảo VACI được đề xuất từ năm 2012 với mong muốn tăng cường chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị trong nước và quốc tế, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế lĩnh vực tài nguyên nước của Việt Nam.

Để thực thi Luật Tài nguyên nước năm 2023 cũng như hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2024 (22/3/2024), hội thảo quốc tế VACI 2024 được tổ chức nhằm tạo ra cơ hội để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ, chỉ ra những thách thức chủ yếu, từ đó trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên nước. Sự kiện cũng khuyến khích và tăng cường nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp tích cực hoạt động sản xuất, nghiên cứu ra sản phẩm, giải pháp công nghệ, dịch vụ… theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước.

Ngoài ra, VACI 2024 còn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước cũng như tranh thủ cơ hội quảng bá hình ảnh, thế mạnh, môi trường và tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Việt Nam với mục tiêu “Việt Nam cùng chung tay với thế giới phát triển xanh, sạch và bền vững cho tương lai”.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, tài nguyên nước đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như sự lãng phí không kiểm soát, ô nhiễm trầm trọng và biến đổi khí hậu đe dọa sự phát triển bền vững. Vì vậy, cần khẩn trương hành động, bằng cách kết hợp kiến thức khoa học và chính sách để bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với mỗi cá nhân mà còn là cơ hội để chứng minh sức mạnh của tri thức và tinh thần đoàn kết.

Ông Nguyễn Minh Khuyến nhấn mạnh, các bên cần hợp tác toàn diện, đồng lòng và quyết tâm, để bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu tài nguyên nước. Bằng việc hiểu biết sâu rộng và áp dụng phương pháp khoa học, chúng ta có thể tìm ra giải pháp sáng tạo và hiệu quả để đối phó với những thách thức đầy phức tạp này. Đồng thời, với sự nỗ lực và cùng nhau hành động, chúng ta có thể kỳ vọng một tương lai mà ở đó mỗi giọt nước đều được trân trọng và bảo vệ - một hành tinh xanh với các quốc gia cùng phát triển, thịnh vượng.

Theo tinh thần của Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được Quốc hội khóa XV chính thức thông qua, trong số những nội dung được sửa đổi của Luật, nhóm chính sách bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước đã được chú trọng, đổi mới toàn diện nhằm đáp ứng các yêu cầu và thách thức trong thời đại mới. Đây là những nội dung nhằm giải quyết các nhóm vấn đề liên quan đến bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước.

Các đại biểu đã nghe các tham luận về một số nội dung nổi bật như: thực tiễn và kế hoạch bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước ở các lưu vực sông ở Việt Nam; thí điểm MAR trong các tầng chứa nước bão hòa - giải pháp chống chịu khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long; sụt lún nền đất vùng đồng bằng sông Cửu Long: những kết quả ban đầu từ hệ thống giám sát động lực tích hợp; giải pháp khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; khung hệ thống hỗ trợ ra quyết định lưu vực sông vùng Ayeyarwady và Mê Kông; giải pháp bản sao số trong quản trị tài nguyên nước; kinh nghiệm Phần Lan trong phục hồi, bảo vệ tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế đã dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi những vấn đề về khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ và phục hồi tài nguyên nước tại Việt Nam hiện nay; cùng nhau tìm ra lời giải đáp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên nước trong thời gian tới.

Khả Như (T/H)