Bất động sản

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền

Thứ sáu, 30/9/2022 | 13:18 GMT+7
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản hiện đã tăng rất mạnh trở lại. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền nhất trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Nhận định được đưa ra tại tọa đàm "Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay" do tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/9, tại Hà Nội. Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đóng góp khoảng 13,67% GDP, cùng với công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, làm nên những trụ cột phát triển của đất nước.

Với tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2030 - 2045, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ bùng nổ và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn số 1 bởi Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, an toàn; đà phục hồi tích cực của kinh tế và các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch.

Tọa đàm "Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay"

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính chia sẻ quan điểm, giá trị bất động sản trên thị trường đang được gia tăng nhờ hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển, tạo kết nối các vùng kinh tế, liên vùng kinh tế. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cung kéo theo giá bất động sản tăng cao. Nhận định về các khu vực đầu tư hấp dẫn hiện nay, trên cương vị người môi giới, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư tại các khu vực có quy hoạch chất lượng, được đầu tư bài bản, giá đang ở mức thấp, dư địa còn lớn sẽ tạo ra giá trị tăng trưởng bất động sản cao sau này.

Bên cạnh đó, nhu cầu và khả năng chi trả cho bất động sản sẽ ngày càng tăng nhờ tốc độ đô thị hóa; sự gia tăng thu nhập và tầng lớp trung lưu. "Thị trường bất động sản Việt Nam có vai trò quan trọng đối với quá trình đô thị hóa, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết vai trò và tiềm năng này của thị trường, khiến cho mức độ đô thị hóa còn tương đối thấp. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta mới đạt 41%, so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới là 69 - 80%", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh chia sẻ.

Còn ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các tín hiệu tích cực dần xuất hiện ở giai đoạn hậu Covid-19. Đặc biệt, các dự thảo sửa đổi Luật tới đây chắc chắn sẽ tháo gỡ những vướng mắc rất lớn về thủ tục đầu tư, quyền sở hữu và chuyển nhượng sản phẩm của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, kênh đầu tư hàng đầu có tiềm năng sinh lời hiệu quả và khả năng bứt tốc trong tương lai là bất động sản. Trong đó, bất động sản nhà ở là phân khúc hấp dẫn nhất. Khi quá trình đô thị hóa tăng nhanh thì nhu cầu nhà ở cũng gia tăng rất cao. Chỉ đến khi đa số người dân đều sống ở đô thị thì phân khúc bất động sản nhà ở mới có thể đi ngang. "Với mức tài chính 3 - 5 tỷ đồng, nhà ở vẫn là kênh đầu tư tối ưu", ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, giá bất động sản hiện đã tăng rất mạnh trở lại. Thời điểm hiện nay đã tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tại một số dự án đã tăng đến 100%. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang bước vào đà tăng giá mạnh mẽ trong giai đoạn hồi phục hậu Covid-19.

Huyền My