Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã tập trung tập huấn, tuyên truyền và xây dựng nhiều mô hình khuyến nông chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo. Điển hình như mô hình canh tác lúa bền vững SRP dựa trên nền tảng “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch); triển khai ứng dụng chuyển đổi số, ghi chép nhật ký sản xuất điện tử cho người trồng lúa giúp minh bạch hóa quá trình sản xuất; thông qua hệ thống tem nhãn xây dựng thương hiệu xanh và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, năm 2024, Trung tâm tổ chức hơn 90 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP, áp dụng nhật ký sản xuất điện tử để truy xuất nguồn gốc tại 5 huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Đồng thời xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương tại các cánh đồng phát thải thấp với quy mô 160ha; mô hình trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao như Đài thơm 8, ST25, Bắc Thịnh… với quy mô hơn 50ha.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/7/lua-ko-dau-chan-20241107104736968.jpg)
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo hướng tới giảm phát thải carbon
Về giảm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chỉ phun thuốc BVTV khi cần thiết, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và khuyến nghị người dân sử dụng thuốc BVTV nguồn gốc hữu cơ. Giảm thất thoát sau thu hoạch bằng cách thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Không phơi lúa trên đường mà sử dụng phương pháp sấy lúa để đảm bảo chất lượng hạt lúa.
Trước tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, nông dân Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đang tham gia hành động để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh Bình Thuận xác định sẽ triển khai định hướng này trong sản xuất lúa thông qua giải pháp “1 phải 6 giảm” ("1 phải 5 giảm" và áp dụng thêm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính).
Hiện nay, tất cả các mô hình sản xuất lúa canh tác theo mô hình phát thải thấp, bền vững đều được nông dân ghi chép lại nhật ký điện tử trên app "Nông nghiệp số Bình Thuận" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Từ đó giúp nông dân minh bạch hóa quá trình sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc lúa gạo, sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu xanh.
Theo kế hoạch số 4517/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao 17.745ha, năng suất trên 60 tạ/ha, trong đó khoảng 50% diện tích liên kết, hợp đồng doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 - 15% so với sản xuất thông thường.
Mặc dù quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận còn gặp khó khăn, thách thức nhưng người nông dân Bình Thuận đã và đang thay đổi tư duy, cách làm, hướng đến tạo ra sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, mọi nông sản phải áp dụng các quy trình và sử dụng yếu tố đầu vào hợp lý như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để không phá hủy hệ sinh thái và đa tầng sinh học, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp của tỉnh.