Sức khỏe

Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS

Thứ sáu, 15/3/2024 | 14:44 GMT+7
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 612/QĐ-BYT ngày 14/3/2024 về Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.

Kế hoạch nhằm mục tiêu là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; giảm số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS. Trong đó, mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV; tăng tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Ảnh minh họa

Kế hoạch nêu một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới gồm: xây dựng văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn; truyền thông, huy động cộng đồng và phối hợp liên ngành; đảm bảo các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Trong đó, về hoạt động truyền thông, huy động cộng đồng và phối hợp liên ngành, cần đổi mới công tác thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS để  thực hiện mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về HIV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập và làm việc.

Tăng cường các hoạt động truyền thông tạo nhu cầu cho nhóm đối tượng đích tiếp cận và sử dụng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS. Thông tin, truyền thông kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tập trung thực hiện các giải pháp thông tin, giáo dục và truyền thông phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị, theo xu hướng chung của xã hội. Tăng cường truyền thông cả bề rộng và chiều sâu để phù hợp với từng nhóm đối tượng; lồng ghép vào quá trình giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở…

Tiếp tục triển khai hoạt động của Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại 9 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bình Dương, Điện Biên, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Nghệ An, Tây Ninh, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác.

Phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và kỷ niệm ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan tăng cường hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến và công tác phòng, chống ma túy thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện.

Đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm cho phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy thuộc trách nhiệm của ngành y tế.

Lam An